Rút đề xuất bán nhà duy nhất phải nộp thuế

“Sau nhiều hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp, chuyên gia và người dân, nội dung đánh thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với bất động sản duy nhất đã được rút ra khỏi dự thảo mới nhất của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều các luật thuế. Đây là vấn đề cần phải nghiên cứu thêm và sẽ tiếp tục được đưa ra trong quá trình thảo luận về thuế TNCN trong tương lai” - chiều tối 22-9, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, thông tin với Pháp Luật TP.HCM.

Trước đó, Pháp Luật TP.HCM tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia đóng góp về chủ trương này (xem số báo ngày 22-9). Chúng tôi xin tiếp tục giới thiệu, xem như một kênh thông tin để bạn đọc và Bộ Tài chính tham khảo.

 
Làm thủ tục nộp thuế nhà, đất tại Chi cục Thuế quận 5, TP.HCM. Ảnh: HTD

Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam:

Nên áp dụng với nhà trên 10 tỉ đồng

Việc đánh thuế đối với người dân khi bán nhà ở duy nhất cần được đặt ra, vì thực tế có những căn nhà giá rất cao, nếu không đánh thuế thì không công bằng. Tuy nhiên, cần phải cân nhắc mức đánh thuế bởi một căn nhà hiện nay trị giá 5 tỉ đồng cũng không phải là lớn.

Theo tôi, chỉ nên đánh thuế TNCN khi người dân bán nhà có giá từ 10 tỉ đồng trở lên. Còn nếu cần thiết phải đánh thuế TNCN ở mức thấp hơn thì nên lấy mốc 5 tỉ đồng nhưng chỉ áp dụng đối với khoản dư trên 5 tỉ đồng. Có nghĩa là giả sử một người bán nhà giá 6 tỉ đồng thì chỉ bị đánh thuế TNCN với khoản vượt trội là 1 tỉ đồng.

Ông NGUYỄN HỒNG KHOÁI, thành viên Hội Tư vấn thuế Việt Nam:

Cần tính thuế lũy tiến

Việc đánh thuế đối với việc bán nhà duy nhất là cần thiết để đảm bảo công bằng xã hội. Tuy nhiên, mức đánh thuế cần phải được áp dụng linh hoạt. Theo tôi, đối với những căn nhà có giá từ 3 tỉ đồng trở xuống thì miễn thuế hoàn toàn. Còn từ 3 tỉ đồng trở lên thì đánh thuế trên phần dôi dư. Và thuế này phải được tính theo lũy tiến. Nhà giá càng cao thì thuế càng lớn.

Cùng đó, cần phải đánh thuế đối với những người được Nhà nước cấp nhà, sau đó mang đi bán. Với trường hợp này cần phải thu thuế ít nhất 20% giá bán để đảm bảo công bằng đối với những người dân phải cả đời cố gắng mới có được căn nhà.

Ông NGUYỄN THÁI SƠN, Giám đốc Công ty Tư vấn thuế Sài Gòn, nguyên Trưởng phòng Thuế TNCN Cục Thuế TP.HCM:

Nên miễn thuế ở mức giá của nhà ở xã hội

Việc miễn thuế hoàn toàn đối với chuyển nhượng bất động sản duy nhất thì hợp lý với người nghèo, người thu nhập thấp, những người có căn nhà bình thường nhưng sẽ không hợp lý đối với những căn nhà trị giá lớn. Bởi lẽ người có nhà trị giá vài chục tỉ đồng thì đâu phải người nghèo hay khó khăn gì để được hưởng chính sách miễn thuế. Vì vậy việc miễn thuế theo dạng cào bằng như thời gian qua là chưa thực sự công bằng, không phát huy ý nghĩa điều tiết thu nhập.

Vì vậy tôi cho rằng việc miễn thuế TNCN khi chuyển nhượng căn nhà duy nhất ở một ngưỡng giá trị nào đó là chính sách thuế phù hợp. Vấn đề là xác định mức giá trị đó là bao nhiêu thì hợp tình, hợp lý.

Theo tôi, có một cách là lấy bảng giá đất của tỉnh, thành để áp dụng và chỉ miễn cho mức tương đương với bảng giá đất, còn phần giá trị cao hơn thì bắt đầu tính thuế TNCN. Cách khác là có thể lấy giá của nhà ở xã hội để dùng cho mức miễn thuế, ví dụ 15 triệu đồng/m2, còn phần vượt trên thì bắt đầu thu thuế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm