Rút đề xuất miễn học phí cho con của giáo viên

(PLO)- Dự thảo Luật Nhà giáo mới nhất trình Quốc hội đã bỏ đề xuất miễn học phí cho con của giáo viên.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Một thành viên Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, cơ quan thẩm tra dự án Luật Nhà giáo, xác nhận dự thảo mới nhất đã bỏ đề xuất miễn học phí cho con của giáo viên.

Điều chỉnh nói trên được đưa ra sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Nhà giáo, hôm 8-10.

Nhiều ý kiến trái chiều

Dự thảo luật trình phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất miễn học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong thời gian công tác. Nếu thực hiện chính sách này, ngân sách Nhà nước phải cấp chi trả thêm hơn 9.200 tỉ đồng mỗi năm.

Tại phiên họp, đánh giá đề xuất miễn học phí cho con của giáo viên là rất nhân văn, tuy nhiên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu những vướng mắc có thể phát sinh trên thực tiễn. Thứ nhất, nếu miễn học phí thì chỉ miễn với trường công lập, dân lập không miễn. Nếu giáo viên yêu cầu việc này, trường có thể không tuyển dụng.

mien-hoc-phi-cho-con-cua-giao-vien-4774-9635.jpg
Dự thảo Luật Nhà giáo mới nhất trình Quốc hội đã bỏ đề xuất miễn học phí cho con của giáo viên.

Thứ hai, ngay ở trường công lập, ông Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng việc miễn học phí cho con nhà giáo khá “nhạy cảm”. Phó Chủ tịch Quốc hội góp ý nên quy định theo hướng những nhà giáo có khó khăn, nhà nước có chính sách hỗ trợ; không nên ghi vào luật thành đặc quyền, đặc lợi.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá nguồn hỗ trợ của Nhà nước đối với chính sách này tương đối lớn.

“Nguồn này ở đâu, lấy từ chỗ nào để chúng ta bố trí chi hàng năm. Các đồng chí phải đánh giá kỹ lưỡng hơn để đảm bảo tính khả thi, tính công bằng trong mối tương quan với các đối tượng ưu tiên khác”- Chủ tịch Quốc hội lưu ý và cho rằng việc đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng là quan trọng nhất.

Đề xuất nói trên sau đó nhận nhiều ý kiến trái chiều của dư luận xã hội, trong đó đa phần ý kiến cho rằng đề xuất như vậy chưa hợp lý, có thể tạo sự bất bình đẳng trong môi trường giáo dục.

Nhiều điểm mới trong chính sách dành cho nhà giáo

Theo dự thảo Luật Nhà giáo mới nhất gửi Quốc hội, chính sách cho nhà giáo có nhiều điểm mới so với quy định hiện hành tại các luật liên quan, trong đó có chính sách tiền lương.

Dự thảo luật quy định lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Nhà giáo dự kiến được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc và theo vùng. Nhà giáo tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương.

Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, theo dự thảo luật.

Dự thảo Luật Nhà giáo cũng đề xuất nhà giáo công tác vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, và vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt, nhà giáo dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số; nhà giáo dạy các môn năng khiếu, nghệ thuật được hưởng một số chính sách hỗ trợ khác như về chỗ ở tập thể hoặc thuê nhà công vụ.

Họ cũng được thanh toán tiền tàu xe trong thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn khi nghỉ hằng năm, nghỉ ngày lễ, tết, nghỉ việc riêng về thăm gia đình theo quy định…

Tuổi nghỉ hưu của nhà giáo có quy định riêng phù hợp với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp, theo dự thảo luật. Trong đó, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mần non nếu có nguyện vọng thì có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.

Nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sĩ và nhà giáo làm việc trong các ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù có thể được hưởng chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn.

Theo nghị trình, ngày 9-11, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình về Dự án Luật Nhà giáo.

Chiều cùng ngày, Quốc hội sẽ thảo luận tổ về dự luật này và việc thảo luận tại hội trường dự kiến tiến hành vào sáng 20-11.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm