Ngày 8-10, tiếp tục phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần hai đối với dự án Luật Nhà giáo.
Lương nhà giáo được xếp cao nhất
Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ phiên họp trước, bố cục dự thảo Luật đã có sự điều chỉnh căn bản, giảm từ 71 điều xuống còn 45 điều.
Đáng chú ý, cơ quan soạn thảo thay đổi căn bản quan điểm không tách nhà giáo ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Lao động mà theo hướng đồng bộ, liên thông và có tính chất đặc thù.
Dự thảo Luật Nhà giáo thiết kế 10 chính sách của nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, trong đó có “ưu tiên về tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo”.
“Những nội dung chính sách được thiết kế trong dự thảo luật bảo đảm có đủ căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn, có cơ sở để đánh giá tác động, đảm bảo tính khả thi.
Một số nội dung quy định về chính sách tiền lương, phụ cấp, hỗ trợ đối với nhà giáo được rà soát kỹ lưỡng để vừa đảm bảo có đột phá, vừa phù hợp với bối cảnh thực hiện cải cách tiền lương trong thời gian tới”- tờ trình Chính phủ nêu rõ.
Liên quan đến tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo, Điều 25 dự thảo quy định nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập hưởng lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Đồng thời hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng.
Nhà giáo bậc mầm non; nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; nhà giáo trường chuyên biệt, trường chuyên biệt khác; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên tiền lương và phụ cấp cao hơn.
Đặc biệt, nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng một bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo ở cơ sở giáo dục ngoài công lập do cơ sở giáo dục quyết định, bảo đảm không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương quy định nêu trên, trừ khi có thỏa thuận khác.
Báo cáo của Chính phủ cho biết chi phí phát sinh tăng thêm để chi trả tiền lương cho nhà giáo sẽ vào khoảng 1.068 tỉ đồng/tháng, tức hàng năm ngân sách phải bổ sung gần 13.000 tỉ đồng.
Trường hợp, quy định nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, chi phí phát sinh tăng thêm để chi trả tiền lương khoảng 22 tỉ đồng/tháng, đồng nghĩa với việc hàng năm ngân sách phải bổ sung 264 tỉ đồng.
Miễn học phí cho con giáo viên: Phải chi bổ sung hơn 9.200 tỉ/năm
Phát biểu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá rất cao và coi đây là nội dung đột phá, đảm bảo sức thu hút để xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo.
Tuy nhiên, theo ông Tùng, dự thảo đang đề xuất giữ lại rất nhiều khoản phụ cấp trong khi đối với nhà giáo, Nghị quyết 27 của Trung ương về cải cách tiền lương đặt vấn đề phải thu hẹp hoặc hợp nhất một số loại phụ cấp, đặc biệt liên quan đến vùng miền, liên quan đến nghề nghiệp, phụ cấp theo nghề, phụ cấp thu hút.
“Nghị quyết 27 của Trung ương về cải cách tiền lương có đặt vấn đề phải đổi mới phụ cấp, đây là vấn đề rất khó, không đơn giản. Dự thảo luật lại đang dự kiến vẫn duy trì và giữ những loại phụ cấp như vậy”- Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói.
Ông cũng cho rằng đây là vấn đề cần phải có sự phân tích đầy đủ, lý giải hết sức thuyết phục, đặt trong bối cảnh cải cách chính sách tiền lương để nghiên cứu xem giữ gì, không giữ gì và thuyết phục Quốc hội.
Một nội dung đáng chú ý khác, liên quan đến chính sách hỗ trợ nhà giáo, dự thảo quy định: “Miễn học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong thời gian công tác”.
Báo cáo tiếp thu, giải trình của Chính phủ cho hay nếu bổ sung chính sách này, Nhà nước sẽ phát sinh tiền trả học phí cho con của nhà giáo từ mầm non đến đại học, căn cứ độ tuổi của nhà giáo và dự tính độ tuổi của con thì hàng năm ngân sách nhà nước phải cấp chi trả thêm hơn 9.200 tỉ đồng.
Đánh giá đây là chính sách rất nhân văn, tuy nhiên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu những vướng mắc có thể phát sinh trên thực tiễn. Thứ nhất, nếu miễn học phí thì chỉ miễn với trường công lập, dân lập không miễn. Nếu cô giáo yêu cầu việc này, trường có thể không tuyển dụng.
Thứ hai, ngay ở trường công lập, ông Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng việc này khá “nhạy cảm”. “Con tôi đi học, mẹ là giáo viên, con bảo mẹ đừng có khai mẹ là giáo viên, bảo con giáo viên được hưởng ưu đãi là các bạn phân biệt đối xử”- ông Định nói. Cùng với đó cho rằng nên quy định theo hướng những nhà giáo có khó khăn, nhà nước có chính sách hỗ trợ; không nên ghi vào luật thành đặc quyền, đặc lợi.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá nguồn hỗ trợ của Nhà nước đối với chính sách này tương đối lớn. “Nguồn này ở đâu, lấy từ chỗ nào để chúng ta bố trí chi hàng năm. Các đồng chí phải đánh giá kỹ lưỡng hơn để đảm bảo tính khả thi, tính công bằng trong mối tương quan với các đối tượng ưu tiên khác”- Chủ tịch Quốc hội lưu ý và cho rằng việc đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng là quan trọng nhất.
Ở góc độ cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết Thường trực Ủy ban này cơ bản đồng tình với quy định về chính sách tiền lương, phụ cấp với nhà giáo.
Dù vậy, theo ông Nguyễn Đắc Vinh, có ý kiến trong cơ quan thẩm tra đề nghị xác định rõ phạm vi, đối tượng thụ hưởng, đánh giá tác động kỹ lưỡng, đầy đủ về nguồn lực bảo đảm thực hiện chính chính sách hỗ trợ, thu hút nhà giáo, nhất là chính sách miễn học phí cho con của nhà giáo.
Đặc biệt, chính sách bảo đảm chỗ ở tập thể hoặc được thuê nhà ở công vụ theo quy định của Luật Nhà ở và các điều kiện thiết yếu khi đến công tác tại “vùng nông thôn” cũng được đề nghị đánh giá rõ tác động.
Điều 28 dự thảo Luật Nhà giáo quy định nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non, trường lớp dành cho người khuyết tật có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định và không bị trừ tỉ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.
Thừa nhận giáo viên mầm non rất vất vả, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng băn khoăn đây là quy định khác với Luật BHXH trong khi luật này vừa được Quốc hội thông qua.
Phát biểu sau đó, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng quy định trên khác Bộ luật Lao động và Luật BHXH, tuy nhiên để chờ sửa những luật này rất lâu.
“Đây là việc giáo viên mầm non, tiểu học trông ngóng, kiến nghị gửi đơn thư rất nhiều suốt 2 năm vừa qua. Tuân thủ nguyên tắc nhưng có một vài chi tiết rất cấp bách, mong lãnh đạo Quốc hội xem xét” - ông Nguyễn Kim Sơn nói.