Ngày 17-9, Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Nhà giáo. Băn khoăn về tính đồng bộ với các luật hiện hành, một số đại biểu thậm chí đã đề nghị cân nhắc ban hành luật này.
Nhà giáo phải là tấm gương tốt nhất về đạo đức, nhân cách
Nêu ý kiến, PGS.TS Lê Minh Thông (nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội) cho rằng để có thể tôn vinh nhà giáo hơn nữa, chấn hưng được nền giáo dục Việt Nam trong điều kiện hiện nay, việc hoàn thiện pháp luật về giáo dục, đào tạo và nhà giáo là điều cấp bách.
Thừa nhận hiện đã có nhiều luật, nhiều quy định liên quan đến giáo dục, đào tạo, trong đó có đề cập đến nhà giáo, nhưng ông Thông nhận xét: Trong chừng mực nào đó, các quy định này chưa tương xứng, ngang tầm với vị trí, vai trò và trách nhiệm của nhà giáo trong thời đại mới.
Mặt khác, theo ông Lê Minh Thông, nội dung của dự thảo đang “phá vỡ cấu trúc hệ thống pháp luật hiện nay”.
Cụ thể, những vấn đề về nhà giáo đã được quy định trong các Luật: Giáo dục, Giáo dục đại học, Giáo dục nghề nghiệp, Viên chức… Vì vậy, nếu làm một luật riêng về nhà giáo sẽ phải rút rất nhiều chế định từ các luật hiện hành và thu hút phần lớn các điều của Luật Viên chức về luật này.
“Nếu vậy, thì còn đâu là Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và đặc biệt còn đâu là Luật Viên chức. Bởi 1,6 triệu giáo viên và 900.000 giáo viên về hưu, tức là khoảng 70% biên chế viên chức nhà nước là giáo viên công lập. Giờ rút hết về đây thì Luật Viên chức có nên tồn tại nữa không, điều chỉnh ai? Có được luật này, chúng ta lại phá vỡ cấu trúc luật khác” - ông Lê Minh Thông nêu hàng loạt vấn đề.
Ông Lê Minh Thông cũng đặt câu hỏi: Nếu đưa nhà giáo ra khỏi Luật Viên chức thì giáo viên công lập có còn là viên chức hay không? Theo ông, viên chức nhà nước vị thế rất khác. Nếu đẩy nhà giáo ra khỏi khái niệm viên chức, đây là một thiệt thòi rất lớn cho giáo viên.
“Nhiều người sẽ giật mình khi mình ra khỏi bộ máy viên chức” - lời ông Lê Minh Thông.
Tán thành với việc ban hành Luật Nhà giáo nhưng ông Lê Minh Thông đề nghị Ban soạn thảo nên cân nhắc lại đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Luật này.
Nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội đặt ra hai khả năng. Thứ nhất, hoàn thiện quy định liên quan đến các luật hiện hành để tiếp tục nâng cao vị thế, trách nhiệm nhà giáo.
Thứ hai, ban hành một luật riêng thì phải xử lý lại một cách đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Điều này để đảm bảo rằng luật này ra đời không phá vỡ cấu trúc logic của hệ thống pháp luật hiện nay, không làm mất đi độ cân đối trong nhiều điều khoản của các luật, đặc biệt là 3 luật liên quan đến giáo dục kể trên.
Cũng theo ông Thông, Luật Nhà giáo cần tập trung vào một số chế định mà luật hiện hành chưa rõ. Cụ thể, cần quy định rõ quyền và nghĩa vụ của giáo viên, quan hệ nhà giáo với xã hội, quan hệ nhà giáo với gia đình và đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo.
“Điều quan trọng nhất của nhà giáo không chỉ là trình độ mà còn là đạo đức. Nhà giáo phải là tấm gương tốt nhất về đạo đức, nhân cách, về con người để học sinh noi theo. Nội dung này gần như không được đề cập trong luật” - ông Lê Minh Thông nói.
Nên xây dựng Bộ luật Giáo dục?
Ở vị trí chủ trì hội thảo, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam Trần Anh Tuấn, nêu quan điểm nên chăng xây dựng Bộ luật Giáo dục trên cơ sở hệ thống hóa các quy định của các luật hiện hành (Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp), trong đó dành một chương riêng quy định về nhà giáo cho các loại hình giáo dục hiện nay.
“Các thầy cô giáo làm việc trong khu vực công lập vẫn phải là viên chức và thực hiện quản lý theo Luật Viên chức” - ông Trần Anh Tuấn nêu quan điểm.
Ngoài ra, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng "bóng dáng" các thầy cô giáo ở các trường dân lập, tư thục vẫn còn mờ nhạt, chưa thấy đâu trong dự thảo Luật này.
“Không thể thực hiện hợp đồng dạy học như dự thảo đề xuất. Thầy giáo, cô giáo là viên chức thì thực hiện hợp đồng làm việc theo Luật Viên chức. Thầy cô giáo ở trường dân lập, tư thục thực hiện hợp đồng lao động theo Luật Lao động” - vẫn lời Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam.
Trong khi đó, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận nói ông rất trăn trở trước câu hỏi có nên ban hành Luật Nhà giáo hay không? “Tôi cũng từng đi học và các anh chị ngồi đây có nhiều người là thầy, là cô, hiện vẫn đang đi dạy. Dù vậy, tôi thấy tốt nhất không nên ban hành Luật Nhà giáo” - ông Thuận nêu quan điểm.
Đồng tình với các ý kiến phát biểu trước đó, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sĩ Lợi chia sẻ cá nhân ông cũng đi dạy, “cũng muốn có một đạo luật hoành tráng” về nhà giáo.
“Nhưng đọc toàn bộ dự thảo Luật thì thấy bốc chỗ nọ, bốc chỗ kia, nhất là Luật Viên chức” - ông Bùi Sĩ Lợi nói và cho rằng nếu Chính phủ muốn trình Luật Nhà giáo phải làm rõ được sự cần thiết ban hành luật và đặc biệt “không được phá vỡ cấu trúc hệ thống pháp luật của chúng ta”.
Nêu quan điểm, ông Nguyễn Phước Thọ, nguyên Hàm Vụ trưởng điều hành Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, lại cho rằng: “Nếu phá được cái bất hợp lý, xây dựng một cấu trúc mới, hệ thống mới thì nên làm. Luật này phải đủ sức mạnh để phá vỡ cấu trúc cũ, muốn vậy phải có chất lượng, có tư duy mới”.
Ông Thọ cho rằng Luật Nhà giáo phải tôn vinh, đề cao những giá trị nghề nghiệp của giáo viên. “Rất tiếc trong dự thảo, những vấn đề liên quan đến việc phát triển nghề nghiệp của giáo viên rất mờ nhạt” - ông Thọ nhận xét.
Tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho hay dự thảo Luật Nhà giáo đang trong quá trình chuẩn bị để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp 8 tới đây.
“Đây là dự luật rất khó, có ý kiến đồng thuận, có ý kiến trái chiều” - bà Nguyễn Thị Mai Hoa nói và cho hay chiều nay (17-9), Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức phiên họp mở rộng, lấy ý kiến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội để hoàn thiện dự thảo báo cáo thẩm tra sơ bộ.
Theo kế hoạch, ngày 25-9, Thường vụ Quốc hội sẽ họp cho ý kiến về dự thảo Luật này.