Sáng 28-2, Ban Đô thị HĐND TP.HCM tiến hành khảo sát các ga thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 (metro số 2). Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng ban Đô thị HĐND TP, chủ trì và dẫn đoàn khảo sát thực địa từ ga Tao Đàn đến depot Tham Lương (quận 12).
Thi công dự án vào đầu năm 2021
Ông Võ Khắc Hưng, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án 2, thông tin tuyến metro số 2 có lộ trình như sau: Điểm đầu kết nối với nhà ga ngầm trung tâm tại khu vực chợ Bến Thành, theo đường Phạm Hồng Thái, Cách Mạng Tháng Tám và Trường Chinh, điểm cuối là depot Tham Lương. Tuyến có chiều dài 11,3 km, gồm 2 km trên cao và 9,3 km đi ngầm từ nhà ga Bến Thành đến ngã ba Trường Chinh - Phạm Văn Bạch.
Tại ga ngầm trung tâm Bến Thành có tuyến trung chuyển kết nối với metro số 1, 3A và 4. Phần còn lại của tuyến có 10 nhà ga, trong đó có chín nhà ga ngầm (Tao Đàn, Dân Chủ, Hòa Hưng, Lê Thị Riêng, Phạm Văn Hai, Bảy Hiền, Nguyễn Hồng Đào, Bà Quẹo, Phạm Văn Bạch) và một ga trên cao là Tân Bình.
Tại buổi khảo sát, MAUR báo cáo: Với tuyến metro số 2, đơn vị đang khẩn trương phối hợp với các sở, ngành và quận, huyện nơi dự án đi qua để quyết tâm hoàn thành cơ bản công tác giải phóng mặt bằng vào tháng 6-2020. Qua đó, triển khai thi công dự án vào đầu năm 2021.
Theo MAUR, dự kiến TP sắp phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất làm cơ sở cho các quận, huyện ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt chính sách và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án.
Riêng ga Tân Bình đã có mặt bằng sạch để chuẩn bị khởi công dự án, đoàn kiểm tra cho rằng khu vực ga này đã có sự chuẩn bị tốt. Cụ thể, ga Tân Bình đã có nhà điều hành, đã xây dựng nhà tái định cư cho người dân.
Theo MAUR, tuyến metro số 2 khi bắt đầu vận hành sẽ có 10 đoàn tàu với ba toa tuyến sẽ có khả năng chuyên chở lên đến 170.000 hành khách/ngày. Vào giai đoạn 10 năm sau, tuyến sẽ có 14 đoàn tàu và sáu toa có thể đáp ứng nhu cầu lên đến hơn 480.000 khách/ngày.
Ban Đô thị HĐND TP.HCM khảo sát tại ga S2 (Tao Đàn). Ảnh: ĐÀO TRANG
Cần triển khai đồng bộ
Ông Võ Khắc Hưng cho hay: Cuối năm 2019, metro 2 đã được điều chỉnh tổng mức đầu tư. Vừa qua TP cũng đã phê duyệt điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu và MAUR đang khẩn trương thực hiện phối hợp các quận để giải phóng mặt bằng.
Mục tiêu lớn nhất của MAUR là triển khai đồng bộ trong công tác tuyển chọn tư vấn và nhà thầu thi công, hiện MAUR triển khai rất rốt ráo. Bởi dự án này rất quan trọng, góp phần giảm tình trạng kẹt xe của người dân TP.HCM, đặc biệt là tuyến đường Bến Thành - Tham Lương.
Metro số 2 sẽ được thiết kế với đường ray đôi tiêu chuẩn, khổ rộng 1,435 m. Khi mới vận hành dự án sử dụng tàu có ba toa, mỗi toa dài 22 m, sức chứa 810 hành khách/đoàn tàu, tốc độ tối đa là 80 km/giờ. Đoạn đi ngầm gồm hai hầm tròn trơn, chạy song song, đường kính mỗi hầm rộng khoảng 6,8 m, thi công bằng phương pháp khoan ngầm dưới lòng đường Phạm Hồng Thái, Cách Mạng Tháng Tám và Trường Chinh với độ sâu 16-30 m. |
“Tuyến số 2 cũng có nhiều vấn đề cần tiếp thu và học hỏi từ tuyến số 1. Từ tăng tổng mức đầu tư, di dời hạ tầng kỹ thuật, bàn giao mặt bằng, quản lý thi công… tất cả vấn đề này sẽ được rút kinh nghiệm trong metro số 2 để đưa tuyến về đúng tiến độ trong năm 2026” - ông Hưng nhấn mạnh.
Trong quá trình đi khảo sát, đoàn công tác của Ban Đô thị HĐND TP ghi nhận những cố gắng, khẩn trương và tinh thần trách nhiệm cao của MAUR trong thời gian qua, nhất là việc đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án. Đây cũng là điều mong đợi của người dân TP, góp phần điều phối giao thông, giảm áp lực kẹt xe và cũng là chiến lược phát triển giao thông công cộng của TP.HCM.
Ngoài ra, đoàn công tác cũng đề nghị MAUR cần phối hợp với các đơn vị thi công đảm bảo tiến độ, an toàn và chất lượng của dự án. Khi gặp khó khăn, vướng mắc phải nhanh chóng đề xuất, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nhằm kịp thời tháo gỡ để quá trình thi công được thuận lợi, đảm bảo tiến độ đề ra.
Đối với công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, MAUR cần rà soát chặt chẽ các phương án bồi thường tái định cư; công tác thi công cần đảm bảo an toàn, chất lượng. Ngoài ra, việc kết nối các tuyến metro cần được tính toán kỹ lưỡng để khai thác tối đa hiệu quả kinh tế.
Ông Cao Thanh Bình, Phó Trưởng ban Ngân sách HĐND TP, cho biết sau chuyến khảo sát hai tuyến metro số 1 và số 2 trong hai ngày qua, Ban Đô thị HĐND TP sẽ tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của MAUR, sau đó báo cáo Thường trực HĐND TP để xem xét, giải quyết nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án.
602 trường hợp bị giải tỏa Dự án metro số 2 được phê duyệt năm 2010 và đã được điều chỉnh tổng mức đầu tư năm 2019 với tổng mức đầu tư 47.890,840 tỉ đồng (tương đương 2.093,59 triệu USD). Nguồn vốn: ODA từ ADB, KfW, EIB và vốn đối ứng. Tuyến metro số 2 đi qua địa bàn các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú và kết nối với các tuyến metro số 1, 5, 3b và 6. Về công tác giải phóng mặt bằng, dự án có tổng diện tích bị ảnh hưởng là 251.136 m2 với 602 trường hợp bị giải tỏa, trong đó 111 trường hợp đã nhận tiền, 55 trường hợp đã bàn giao mặt bằng. Hiện nay UBND các quận đã tiến hành phê duyệt điều chỉnh dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, dự kiến đến tháng 6-2020, các quận, huyện sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng cho MAUR. Sau khi có mặt bằng, MAUR sẽ tiến hành di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật: 2020-2021. Giai đoạn 2021-2026 sẽ tiến hành thi công dự án. |