Sáng 14-2, ông Trần Lưu Quang, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, chủ trì hội nghị triển khai công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và di dời hạ tầng kỹ thuật tuyến metro số 2.
Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo các sở, ngành liên quan và chủ tịch, bí thư UBND các quận, huyện có tuyến metro số 2 đi qua.
Hơn 600 hộ bị ảnh hưởng mặt bằng
Tại hội nghị, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP Trần Lưu Quang cho biết: “Chúng ta đã ký kết với đơn vị tài trợ 10 năm nay và đến tháng 10-2020 chúng ta phải khởi công. Tuy nhiên, việc bồi thường hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Hiện người đứng đầu cấp ủy ở các địa phương chưa sâu sát. Chính vì vậy, tôi muốn thành lập một cuộc họp có đầy đủ cấp ủy để có thể triển khai, bởi chúng ta mất dự án này thì đến khi nào mới triển khai lại được”.
Báo cáo tại hội nghị, ông Bùi Xuân Cường, Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị (MAUR), cho biết dự án metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) cùng với tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết ùn tắc giao thông cho TP. Chính vì vậy, GPMB là công việc vô cùng quan trọng để chuẩn bị cho công tác triển khai các dự án của metro số 2.
Cũng theo ông Cường, phạm vi GPMB 10 nhà ga, di dời hạ tầng kỹ thuật sẽ có khoảng 28 đơn vị bị ảnh hưởng như cấp nước, cây xanh, ánh sáng.... Vậy phải di dời ra sao để khi vận hành sẽ không làm ảnh hưởng mà có sự đồng bộ giữa các đơn vị này. Muốn làm được thì phải có mặt bằng kỹ thuật và có sự phối hợp giữa các đơn vị thực hiện, nếu không có mặt bằng sẽ ảnh hưởng rất lớn về tiến độ của dự án. Bởi dự án này có quy mô, tầm quan trọng, phạm vi ảnh hưởng lớn với 251.136 m2, tổng cộng hơn 600 hộ bị ảnh hưởng.
Về vấn đề trên, đại diện Sở TN&MT cho biết do tính chất và tầm quan trọng của dự án, hiện các quận, huyện đã điều chỉnh dự án bồi thường mặt bằng. Các quận, huyện cũng đang rà soát lại, trong tháng 2 sẽ trình UBND TP về việc điều chỉnh dự án bồi thường này.
Ông Trần Lưu Quang nhấn mạnh: “Tháng 6-2020 giao đất thì các quận, huyện có thực hiện được không? Yêu cầu các quận, huyện có ý kiến”.
Theo đó, đại diện UBND quận 1 cho biết đang phối hợp với đơn vị tư vấn để triển khai công tác bồi thường GPMB trên địa bàn quận. Về cơ bản thì khó khăn đã được giải quyết với 27/29 trường hợp. Nếu như kết thúc mọi thủ tục thì quận 1 cam kết trong tháng 6 sẽ hoàn thành.
Đại diện UBND quận 3 cũng cho hay đã thực hiện công tác bồi thường GPMB theo phương án của TP phê duyệt. Đến thời điểm này đã làm được 71%, sau khi điều chỉnh giá có thể tăng thêm 20%, người dân cũng sẽ đồng ý.
Sở TN&MT cho rằng cần lấy mốc tháng 6 để xúc tiến, rồi quay ngược trở lại những công việc chưa hoàn thành để cố gắng. Đồng thời, sở này cũng đề xuất phải chọn đúng người tham gia tổ công tác GPMB để theo dõi cho đúng tiến độ.
Phối cảnh nhà ga dự án metro số 2. Ảnh do MAUR cung cấp
Họp hằng tháng để gỡ khó
Ông Bùi Xuân Cường, Trưởng ban MAUR, cũng đưa ra dự báo kịch bản nếu chậm bàn giao mặt bằng thì khó có thể triển khai dự án. Do đó, việc giải quyết các vấn đề về mặt bằng đang rất cấp bách bởi metro 2 là dự án ưu tiên trong các dự án ưu tiên. Theo đó, ông Cường kiến nghị cần có cơ chế họp giao ban về tình hình chung mỗi tháng một lần để các đơn vị liên quan nắm được tiến độ.
“Qua báo cáo của các quận, huyện, nếu chúng ta không làm thì sẽ bị chậm ra sao? Đề nghị các quận, huyện nhanh chóng có điều chỉnh quy hoạch xung quanh nhà ga” - ông Cường nói.
Ông Cường nhấn mạnh việc GPMB đã khó và khâu di dời hạ tầng kỹ thuật cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, quyết định đến 60% sự thành bại của metro số 2.
Về vấn đề này, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP Trần Lưu Quang cho biết cuộc họp này là một vấn đề đặc biệt, bởi nếu tháng 10 chúng ta không giải ngân thì sẽ ngưng toàn bộ giải ngân về metro số 2. Hiện nay, các tuyến đường sắt đô thị được kỳ vọng sẽ giải quyết kẹt xe cho TP nên các quận, huyện cần chú ý. UBND quận 3 đi đầu trong GPMB nay cũng phải có trách nhiệm để giải quyết khó khăn.
Theo ông Quang, đến tháng 6, các đơn vị liên quan phải giải quyết việc đền bù một cách cơ bản để dự án được thực hiện đúng tiến độ. Hằng tháng, vào chiều thứ Sáu tuần thứ hai sẽ tiến hành họp thường xuyên để nắm được tình hình các sự việc.
“Ba thủ lĩnh là trưởng Ban MAUR, giám đốc Sở TN&MT, giám đốc Sở Xây dựng phải tham gia, tuyệt đối không vắng họp. Đề nghị các đồng chí phải phối hợp thật tốt về thời gian, áp lực hoàn thành, chủ động giải quyết mọi vấn đề trong thẩm quyền của mình, không được né tránh” - ông Quang chỉ đạo.
Đồng thời, ông Quang cho rằng nếu có thể mời được các đơn vị có trách nhiệm di dời hạ tầng trên địa bàn TP cùng tham dự các cuộc họp thì càng tốt, vấn đề sẽ được giải quyết nhanh hơn.
Cuối cùng, ông Quang đề nghị Sở Xây dựng phải có văn bản hướng dẫn cho các quận, huyện về việc cấp phép xây dựng, làm sao để không ảnh hưởng đến metro. Qua đó, các quận, huyện sẽ nắm được tình hình và giải quyết được các vấn đề cho dân.
Dự kiến cuối năm 2026 đi vào hoạt động Ông Bùi Xuân Cường, Trưởng ban MAUR, cho biết dự án metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đi qua sáu quận của TP.HCM (1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú). Tổng chiều dài của tuyến đường này là hơn 11 km, bao gồm 9 km ngầm và 2 km trên cao; xây 10 nhà ga với chín ga ngầm và một ga trên cao. Tổng kinh phí đầu tư toàn dự án gần 48.000 tỉ đồng. Hiện tại cơ sở pháp lý của dự án metro số 2 đã được chính thức điều chỉnh và dự kiến cuối năm 2026 sẽ đi vào hoạt động. Ước tính, khi đi vào hoạt động giai đoạn một sẽ vận tải được 140.000 hành khách/ngày. Giai đoạn hai ước đạt khoảng 400.000 hành khách/ngày. |