VKS Cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng đây là dạng vi phạm phổ biến trên thực tế nên ra thông báo đến VKS các tỉnh, thành thành phố khu vực rút kinh nghiệm chung.
Tháng 11-2013, bà Lê Thị Kim Châu khởi kiện tại TAND huyện Ia Grai, Gia Lai yêu cầu buộc bà Trương Thị Khương thanh toán 124 triệu đồng tiền mua cà phê. Sau khi thụ lý đến tháng 3-2014 tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án với lý do đợi kết quả ủy thác thu thập chứng cứ. Tháng 6-2014 tòa ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có nội dung và bà Khương đồng ý trả cho bà Châu số tiền trên trong thời hạn hai háng.
Giải quyết hai vụ tranh chấp hợp đồng mua bán cùng bị đơn, người kiện trước lại bị tòa án giải quyết sau dẫn đến thiệt hại. Ảnh minh họa
Tháng 2-2014 bà Hồ Thị Hạnh khởi kiện vợ chồng bà Khương yêu cầu trả lại 200 tấn sắt lát và phạt vi phạm hợp đồng tổng cộng 864 triệu đồng. Một tháng sau, TAND huyện Ia Grai, Gia Lai ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Với nội dung bà Hạnh trả nợ ngân hàng thay cho vợ chồng bà Khương để giải chấp các tài sản mà vợ chồng này đã thế chấp ngân hàng. Sau đó tiến hành chuyển nhượng tài sản cho bà Hạnh để trừ nợ
Tháng 11-2014, bà Châu có đơn tố cáo cho rằng lãnh đạo TAND huyện Ia Grai, Gia Lai có dấu hiệu tiêu cực. Đồng thời đề nghị làm rõ vì sao bà khởi kiện yêu cầu thanh toán số tiền trước, bà Hạnh khởi kiện sau nhưng lại được giải quyết trước. Việc này dẫn đến toàn bộ tài sản của vợ chồng bà Khương thỏa thuận giao hết cho bà Hạnh đến khi giải quyết vụ án của bà thì không còn tài sản để thi hành.
Tháng 3-2019, chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng có quyết định kháng nghị đối với quyết định công nhận sự thỏa thuận đương sự của vụ án bà Hạnh khởi kiện, đề nghị hủy một phần quyết định.
Một tháng sau Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng hủy toàn bộ quyết định công nhận sự thỏa thuận trên giao lại cho TAND huyện Ia, Gia Lai giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.
Qua đây, VKS cấp cao phân tích hai vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán hàng mà người khởi kiện là bà Châu, bà Hạnh có cùng bị đơn là bà Khương. Và cùng được giải quyết tại một TAND. Vụ của bà Châu được thụ lý trước bị tạm đình chỉ với lý do bị đơn vắng mặt tại địa phương sáu tháng theo kết quả xác minh của tòa. Còn vụ bà Hạnh thụ lý sau lại triệu tập được bị đơn và đã giải quyết bằng một quyết định công nhận sự thỏa thuận có hiệu lực ngay.
Hậu quả của việc giải quyết vụ án của bà Hạnh tại quyết định trên làm cho vụ án bà Châu thụ lý trước đến khi giải quyết thì bị đơn không còn tài sản để thi hành. Như vậy việc giải quyết hai vụ án nói trên của TAND huyện gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của bà Châu, người có yêu cầu khởi kiện.