Rút kinh nghiệm vụ ông chủ lò gạch kiện chủ tịch huyện

VKSND Tối cao vừa ban hành thông báo rút kinh nghiệm vụ khiếu kiện quyết định áp dụng biện pháp hành chính. 

Người khởi kiện là ông Tiêu Văn Đạt, chủ doanh nghiệp tư nhân xây dựng Thành Đạt. Người bị kiện là chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ, Hải Dương.

Ảnh minh họa. Ảnh: PLO

Theo đó, tháng 3-2006, ông Đạt được UBND huyện Tứ Kỳ cho phép xây dựng hai cặp lò gạch nung kiểu mới trục đứng.

Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 567 phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2010. 

Năm 2011, UBND tỉnh Hải Dương có Quyết định 661 có nội dung cho phép các cơ sở sản xuất gạch bằng lò liên tục kiểu đứng hoạt động đến hết ngày 31-12-2015.

Năm 2012, UBND tỉnh này tiếp tục có Quyết định 2519 chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò liên tục kiểu đứng trên địa bàn tỉnh từ ngày 1-1-2016.

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1469, trong đó yêu cầu chấm dứt hoạt động đối với lò gạch đứng liên tục chậm nhất trước năm 2018.

Ngày 20-12-2016, chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ ban hành Quyết định 4434 về việc áp dụng các biện pháp hành chính để chấm dứt hoạt động sản xuất gạch nung bằng lò thủ công và lò liên tục kiểu đứng, trong đó có lò gạch của ông Đạt.

Ông Đạt cho rằng  quyết định này không phù hợp với Quyết định 1469 nêu trên nên đã khởi kiện yêu cầu hủy một phần Quyết định 4434 về áp dụng biện pháp hành chính đối với lò gạch của ông.

TAND tỉnh Hải Dương xử sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện. Ông Đạt kháng cáo.

TAND Cấp cao tại Hà Nội xử phúc thẩm, chấp nhận kháng cáo, hủy một phần Quyết định 4434 về việc chấm dứt đối với ba lò gạch của ông Đạt.

Sau đó, Ủy ban Tư pháp Quốc hội và chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ đề nghị TAND Tối cao xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm.

Tháng 11-2019, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm của chánh án TAND Tối cao, hủy án phúc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

VKSND Tối cao nhận thấy quá trình giải quyết vụ án ở cấp phúc thẩm có một số vi phạm trong việc áp dụng pháp luật, cần thông báo để rút kinh nghiệm.

Cụ thể, Quyết định 661 trên được ban hành trước và nội dung không trái với Quyết định 1469 của Thủ tướng Chính phủ. Việc chấm dứt hoạt động của các lò gạch liên tục kiểu đứng ở Hải Dương từ ngày 1-1-2016 được các cấp chính quyền thực hiện đúng lộ trình.

Tòa phúc thẩm nhận định Quyết định 661 của UBND tỉnh Hải Dương không thực hiện đúng Quyết định 1469 của Thủ tướng Chính phủ, sửa án sơ thẩm như trên là không đúng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới