Vừa qua, ngày (26-4), TAND quận 1 (TP.HCM) xét xử sơ thẩm và tuyên phạt hai bị cáo Nguyễn Đắc Hậu và Phạm Thị Hồng Hoa cùng mức án 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.
Theo nội dung vụ án, khoảng tháng 6-2023, thông qua mạng xã hội, Hậu và Hoa được một đối tượng chưa rõ lai lịch có tên Facebook Louis Hà thuê đi giao bảy con rùa sao với tiền công 500.000 đồng. Khi đang trên đường đi giao hàng, cả hai bị tổ công tác Công an quận 1 phát hiện nghi vấn nên mời về trụ sở làm việc.
Theo kết luận giám định, bảy cá thể rùa sao có tên khoa học Geochelone Elegans, lớp Bò sát (Reptilia); có tên trong Phụ lục I, Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã thuộc Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).
Khai tại tòa, cả hai bị cáo đều khai không biết đây bảy cá thể rùa là động vật nguy cấp, bị cấm mua bán. Chỉ đến khi làm việc với cơ quan chức năng thì mới ý thức được hành vi của mình là phạm pháp.
Tương tự vào tháng 3-2024, TAND quận 8 cũng đã xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Tuấn 3 năm tù, Vương Ngọc Hân 2 năm 3 tháng tù và Đặng Thị Kiều 1 năm 3 tháng tù, cùng về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.
Các bị cáo đã có hành vi nuôi nhốt bảy cá thể động vật rừng, gồm: Hai vượn đen má hung, một rùa núi vàng, hai con vẹt, hai con kỳ nhông. Đây là các cá thể động vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES và hồ sơ quản lý động vật rừng thông thường theo quy định pháp luật.
Vụ án được TAND quận 8 phối hợp với các cơ quan tố tụng, ban ngành địa phương, Ban quản lý chợ Bình Điền để đưa ra xét xử lưu động, nhằm răn đe với các bị cáo, tuyên truyền pháp luật rộng rãi với toàn thể nhân dân trên địa bàn, không mua bán, nuôi nhốt các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm.
Hay vào tháng 7-2022, TAND quận 8 đã xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Quách Tấn Sang 1 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo cũng về tội danh như trên.
Sang đã mua hai con rái cá vuốt bé (thuộc danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm cần được bảo vệ) với giá 800.000 đồng rồi mang về nhà nuôi và đăng bán lại trên mạng xã hội. Khi đang đi giao rái cá cho một người phụ nữ (chưa rõ lai lịch), Sang bị lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ.
Theo một thẩm phán tại TP.HCM, quá trình xét xử, nhiều bị cáo không biết về hành vi vi phạm của mình cho đến khi được HĐXX giải thích, phân tích. Vì vậy cần phải tuyên truyền để nâng cao sự hiểu biết, nhận thức của người dân về các loài động vật thuộc nhóm nguy, cấp, quý, hiếm...
Các phiên xét xử cũng là một trong những dịp cảnh tỉnh những ai đang có ý định nuôi nhốt, vận chuyển các cá thể động vật nguy cấp, quý, hiếm.
Theo luật sư (LS) Trương Văn Tuấn (Đoàn LS TP.HCM), Điều 5 Nghị định 06/2019 thì mọi hoạt động nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán... động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm đều bị xem là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm khắc.
Trường hợp hành vi vi phạm có tính chất nghiêm trọng, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm theo điều 244 BLHS với mức phạt tù tối đa lên đến 15 năm.
Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.