Mới đây, TAND TP Cần Thơ đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ kiện tranh chấp hợp đồng bảo hiểm giữa nguyên đơn là bà VKL và bị đơn là Công ty Bảo hiểm Bảo Việt do có kháng cáo của nguyên đơn.
Kiện vì sà lan bị chìm nhưng không được bảo hiểm
Theo hồ sơ, nguyên đơn trình bày ngày 19-2-2019, bà ký hợp đồng bảo hiểm tàu thủy nội địa với Công ty Bảo hiểm Bảo Việt để mua bảo hiểm cho sà lan tự hành do bà làm chủ sở hữu. Thời hạn từ ngày 19-2-2019 đến 19-2-2020.
Một chiếc sà lan bị chìm trên sông Sài Gòn. (Ảnh minh họa không liên quan đến nội dung bài) Ảnh: NGUYỄN TÂN |
Khoảng 6 giờ 30 ngày 6-1-2020, trong lúc sà lan neo đậu tại xã An Phú, huyện Phú Tân, An Giang thì xảy ra sự cố vô nước nhiều ở khu vực hầm mũi. Thuyền trưởng cho lấy neo khởi động máy chạy vào bờ nhưng đi được khoảng 20 m thì sà lan bị chìm, gây tổn hại thân tàu, máy móc và nhiều tài sản trên sà lan.
Nguyên đơn thông báo cho công ty bảo hiểm nhưng công ty đã có văn bản trả lời không đồng ý bồi thường. Vì vậy, bà L đã phải tự bỏ tiền sửa chữa. Hiện bà L đang tiếp tục sử dụng chiếc sà lan này. Nay bà L khởi kiện yêu cầu Công ty Bảo hiểm Bảo Việt phải bồi thường số tiền bà đã bỏ ra để sửa chữa sà lan và tiền lãi phát sinh, tổng cộng hơn 642 triệu đồng.
Phía công ty bảo hiểm thừa nhận có ký hợp đồng bảo hiểm tàu thủy nội địa với bà L vào thời gian như bà trình bày. Thời gian sà lan xảy ra sự cố, phía công ty đã mời bên thứ ba giám định nguyên nhân dẫn đến sự cố chìm sà lan.
Theo đó, nguyên nhân là do hao mòn tự nhiên nên theo quy tắc bảo hiểm của công ty thì không thuộc trường hợp bảo hiểm. Do đó, phía công ty bảo hiểm không đồng ý bồi thường theo yêu cầu của nguyên đơn.
Ngoài ra, phía công ty bảo hiểm cũng cho rằng số tiền khiếu nại hợp lý trong trường hợp này cần căn cứ vào báo cáo giám định là hơn 341 triệu đồng.
Xử sơ thẩm, TAND quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Sau đó nguyên đơn kháng cáo, yêu cầu sửa án sơ thẩm.
Tòa buộc công ty bảo hiểm phải bồi thường
Xét xử phúc thẩm, TAND TP Cần Thơ nhận định đến ngày xảy ra sự cố, sà lan vẫn còn trong thời hạn được bảo hiểm.
Phân tích, dẫn chiếu các quy định liên quan trong Luật Kinh doanh bảo hiểm, tòa cho rằng công ty bảo hiểm không thực hiện đúng nghĩa vụ, trách nhiệm của mình khi giao kết hợp đồng bảo hiểm với bà L. Cụ thể là công ty không giải thích cụ thể dẫn đến việc bà L không nắm bắt được quy định về “loại trừ bảo hiểm”. Vì vậy, công ty không có cơ sở áp dụng quy định về loại trừ trách nhiệm bảo hiểm với bà L mà phải có nghĩa vụ bồi thường.
Theo HĐXX, công ty bảo hiểm không giải thích cụ thể dẫn đến việc bà L không nắm bắt được quy định về “loại trừ bảo hiểm” nên công ty không có cơ sở áp dụng quy định này với bà L mà phải có nghĩa vụ bồi thường.
Theo tòa, các công ty bảo hiểm đối với sự kiện bảo hiểm xảy ra nhưng thông qua hoạt động giám định để làm căn cứ loại trừ bảo hiểm và cho rằng nguyên nhân hao mòn do tự nhiên là chưa hoàn toàn thuyết phục. Bởi nếu biết trước máy móc bị hao mòn tự nhiên thì không ai đưa sà lan ra hoạt động rồi xảy ra sự cố để lấy tiền bảo hiểm đánh đổi tài sản và có khi là mạng sống của chính họ.
Công ty bảo hiểm cũng không thực hiện việc kiểm tra theo quy định trong hợp đồng trong suốt quá trình phương tiện lưu thông và khi xảy ra sự kiện pháp lý cần được bảo hiểm thì lại cho rằng lỗi này hoàn toàn của chủ phương tiện.
Ngoài ra, tòa cho rằng đối chiếu các giấy tờ nguyên đơn cung cấp thì vào ngày xảy ra sự cố, sà lan trong thời hạn đăng kiểm, có đầy đủ các giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền trưởng, máy trưởng, giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa… và đều còn hiệu lực.
Việc công ty không cung cấp bổ sung hồ sơ kết luận giám định khiến bà L mất đi cơ hội thực hiện việc khiếu nại hay yêu cầu một đơn vị khác giám định lại. Việc này không thể khắc phục được nên lỗi hoàn toàn thuộc về công ty bảo hiểm.
Hơn nữa, công ty xử lý sự kiện bảo hiểm quá chậm, theo quy định phải làm trong 30 ngày nhưng công ty để đến 180 ngày mới ra văn bản trả lời từ chối bảo hiểm. Vì vậy, tòa cho rằng cần xem xét buộc công ty bảo hiểm phải hoàn trả khoản tiền bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn sau sự cố chìm sà lan.
Theo báo cáo giám định, công ty thẩm định đưa ra chi phí khắc phục tổn thất sà lan tổng cộng hơn 341 triệu đồng. Trong khi đó, nguyên đơn yêu cầu bồi thường nhưng chưa có đầy đủ hóa đơn, chứng từ. Vì vậy, tòa phúc thẩm dựa vào kết quả của công ty kiểm định làm cơ sở chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn.
Đối với yêu cầu tiền lãi của nguyên đơn, tòa cho rằng do trong giấy chứng nhận bảo hiểm, các bên không có thỏa thuận về thời hạn phải trả tiền bảo hiểm nên không chấp nhận phần yêu cầu tính lãi.
Từ đó, tòa phúc thẩm tuyên chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo và một phần khởi kiện của nguyên đơn, sửa bản án sơ thẩm, buộc Công ty Bảo hiểm Bảo Việt có trách nhiệm bồi thường cho bà L số tiền hơn 341 triệu đồng.•
Doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ cho bên mua
Theo tòa, án sơ thẩm cho rằng nguyên đơn chưa hiểu rõ các điều khoản của hợp đồng nhưng vẫn đồng ý giao kết và ký tên vào hợp đồng bảo hiểm xem như mặc nhiên chấp nhận các điều khoản của hợp đồng bảo hiểm là chưa hoàn toàn thuyết phục.
Khoản 2 Điều 16 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 quy định điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm phải được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng.
Trong khi đó, các bên đương sự đều thừa nhận ngoài cung cấp giấy chứng nhận bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm thì phía công ty bảo hiểm không giải thích cụ thể cho bà L về điều khoản loại trừ bảo hiểm.