Như PLO đã thông tin, Cục trưởng Cục Di sản văn hoá (Bộ VH-TT&DL) Lê Thị Thu Hiền vừa ký Công văn gửi Sở VH-TT&DL, Sở VHTT các tỉnh, thành phố Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương.
Nội dung công văn đề nghị phối hợp, khẩn trương xác minh tính xác thực của các sắc phong hiện đang rao bán trên có nguồn gốc tại các di tích, bảo tàng và các địa điểm liên quan ở địa phương.
Trước đó, anh Trần Ngọc Đông, một thành viên tích cực của cộng đồng bảo vệ di sản Việt đã cung cấp thông tin về số phận của những sắc phong đền Quốc tế xã Dị Nậu, huyện Tam Nông (tỉnh Phú Thọ).
Sắc phong niên hiệu Phúc Thái thứ 3 của đền Quốc tế ở Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: TRẦN NGỌC ĐÔNG. |
Theo đó, một trang đấu giá có địa chỉ tại Thượng Hải, Trung Quốc đăng một số cổ vật thuộc nhóm Phiên Thuộc Văn Hiến, bao gồm các sắc phong của làng Dị Nậu với giá đề nghị khởi điểm từ 2.800 đến 3.500 nhân dân tệ (từ 9,5 triệu đến khoảng 12 triệu đồng). Phiên đấu giá diễn ra vào ngày 22-4-2023.
Trước đó, khoảng giữa tháng 5-2021, người dân phát hiện đền Quốc tế (Phú Thọ) bị mất trộm 40 đạo sắc phong quý và một lượng sách cổ quý giá.
Về vấn đề này, UBND xã Dị Nậu đã có báo cáo số 30/BC-UBND về gửi UBND huyện Tam Nông và Phòng Văn hoá – Thông tin huyện về thông tin trên mạng facebook về việc rao bán sắc phong của di tích lịch sử Quốc gia đền Quốc Tế (xã Dị Nậu).
Theo báo cáo, năm 2021, sau khi phát hiện bị mất Sắc phong, đơn vị này đã báo cáo các cơ quan chức năng để xác minh, điều tra giúp địa phương.
UBND xã Dị Nậu cũng đề nghị UBND Huyện Tam Nông, Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Tam Nông chỉ đạo cơ quan chức năng, xác minh và điều tra, giúp địa phương sớm nhận được số Sắc phong đã bị mất.
Trao đổi với PLO, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông cho biết, Huyện báo cáo sở, ngành, công an địa phương. Bước đầu địa phương xác nhận một số đạo sắc phong nằm trong bộ 40 sắc phong bị mất tại đền Quốc tế xã Dị Nậu, huyện Tam Nông vào tháng 5-2021.
Đền Quốc tế thờ Cao Sơn Đại Vương (nơi có nhiều Sắc phong bị mất) trải qua các triều đại được ban nhiều sắc phong. Trong đó, sắc phong cổ nhất từ thời vua Lê Chân Tông, với nội dung tấn phong ngài Cao Sơn là Linh ứng đại vương vào năm 1645. Đền cũng còn có các sắc phong đời vua Quang Trung thời Tây Sơn.
Ngoài ra, nơi đây còn lưu giữ nhiều di vật phong phú và quý hiếm như: Ngai thờ, án gian, kiệu bát cống, kinh sách, sắc phong…, phản ánh nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ tinh xảo từ thời Lê.