Sự khốc liệt và bình dị của cuộc sinh tồn; nỗi hoài cổ có phần bảo thủ của một người xứ Huế; những cố gắng chống đỡ với ngoại lực xô đẩy của đời sống để gìn giữ những giá trị truyền thống... lấp lánh trong tập bút ký của Trần Kiêm Hạ.
Tôi đọc trọn tập bản thảo bút ký không chỉ một lần, đọng lại trong tôi là những điều đó. Anh Trần Kiêm Hạ gọi đây là bút ký văn học nhưng với tôi, không cần thêm hai chữ "văn học" vào bởi vì cuốn sách thuyết phục người đọc ở sự chân thực. Và bởi những chi tiết đời sống được chắt chiu, dù mộc mạc, tự nó đã rất “văn” rồi.
Các bút ký đưa người đọc đi cùng tác giả từ thuở thanh xuân đến thời trung niên trên những công trình thủy lợi sau giải phóng thời bao cấp. Cuộc mưu sinh khốc liệt ở Iraq và chuyến hồi hương của người lao động Việt Nam trước thềm cuộc chiến tranh vùng Vịnh; cho đến khi về hưu với những cội mai già bên chén trà mỗi sáng trên sân thượng căn nhà của anh ở Sài Gòn.
Tập bút ký ‘Trở về từ Iraq’ của Trần Kiêm Hạ, NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành.
Mỗi câu chuyện là một lát cắt chân thực đời sống với những sớ, những vân đọng lại, nổi lên và lấp lánh như chứng tích thời gian được hun qua nắng gió, mồ hôi và những trải nghiệm cuộc đời của một người lao động chăm chỉ, thiện lương.
Bút ký của Trần Kiêm Hạ hấp dẫn người đọc như khi ta nhìn một vân gỗ, vân đá đẹp; như chén trà Bắc. Tôi nghĩ giá trị nhất của tác phẩm này ở chỗ nó kết tinh từ cuộc sống của một con người yêu lao động, yêu quê hương đất nước và trân quý các giá trị truyền thống của gia đình, của quê hương.
Đây là cuốn sách thứ ba của Trần Kiêm Hạ sau tập phóng sự Cuộc đời sau tay lái và tập truyện ngắn Vùng biến mất. Thể loại khác nhau, thời gian viết khác nhau nhưng đều chung nhau ở tính chân thực và sự tinh tế, từ những chi tiết tưởng chừng rất nhỏ trong đời sống mà tác giả phát hiện, chắt lọc và chuyển tải.
Ngay trong nhọc nhằn của những ngày phơi nắng dầm sương trên công trường ở vùng rừng núi, tác giả vẫn dành thời gian mỗi tháng một lần theo đò máy về đô thị để uống cà phê, nghe nhạc, thứ mà nơi lán trại công trường không có. Rồi đến khi căn tin công trường cũng có cà phê, nhạc thì anh vẫn mỗi tháng xuôi đò về đô thị như một thói quen và phát hiện ra rằng mình về phố không phải để uống cà phê, mà để có những phút xuôi đò thả hồn theo quang cảnh ven bờ từ thượng nguồn về hạ du (Ký ức về một dòng sông).
Nó thú vị ở chỗ độc giả được chứng kiến phút giây mà tác giả khám phá ra một góc của chính tâm hồn mình. Hay như nỗi hụt hẫng hoang mang của tác giả khi bẫy được con chuột mẹ phá hỏng chiếc loa của mình bằng cách nhử nó bằng bầy con mới đẻ, khi đối diện với con chuột đang cho bầy con bú trong lồng, bất chấp cái chết cận kề, anh đã bất lực vì sự giằng co giữa nỗi giận dữ con chuột với tình mẫu tử của nó (Tôi thắng hay thua con chuột?).
Những mẩu chuyện, những chiêm nghiệm, những lãng mạn và bay bổng, hạnh phúc hay đớn đau trong tập bút ký này đều được đặt trên nền cuộc sinh tồn trong cuộc đời con người, chắt chiu từ ngày tháng mưu sinh.
Người ta có thể kèn cựa nhau vì món lợi nhỏ, xung khắc đến mất tình nghĩa lẫn nhân tính vì lợi danh vật chất. Thế nhưng cũng chính những con người đó, trong phút giây đối diện với sự sống và cái chết, ngay phút chia xa lại sẵn sàng vượt hàng 500 km mang thực phẩm đến cho những ngươi đồng hương kẹt lại ở sân bay chờ hồi hương (Trở về từ Iraq).
Sự khốc liệt của đời sống còn hằn lên khi nhớ về tia mắt của ông già Doăn, một người bị lũ cướp đi vợ, con và dâu chỉ còn mỗi đứa cháu gái, ông già hết lòng tin tưởng bảo bọc những coog nhân xa nhà nhưng rồi niềm tin của ông bị phản bội: đứa cháu, núm ruột duy nhất của ông bị gã trai công trường lừa cho có bầu khi nó còn chưa là thiếu nữ (Giọt nước mắt bên dòng kênh xanh).
Điều đó còn lặp lại trong một bút ký khác, lần này kẻ “phản bội” chính là tác giả, khi phải buộc giết đi con chó trung thành của mình, nỗi đau đớn được đẩy lên thêm một lần như thử thách sức chịu đựng của người đọc khi con chó ấy không chui vào bụi để chết, mà quay về chết phủ phục dưới chân giường người chủ đã “phản bội’ và giết nó (Lu ơi!).
Những câu chuyện vậy, chúng ta có thể gặp ở đâu đó trong cuộc sống này, tuy nhiên nếm trải và cảm nhận được nỗi đau của người trong cuộc rồi biến chiêm nghiệm ấy thành cảm xúc cho độc giả thì không dễ viết được như Trần Kiêm Hạ.
Tác giả không nói gì về nghị lực, không khuyên bảo gì ai, chỉ là kể lại những câu chuyện mà bản thân từng trải qua hoặc chứng kiến. Thế nhưng kể cả trong những mất mát, đắng cay, mỗi bút ký trong tập sách này vẫn hướng người ta tới niềm tin, như khi giấc mộng đổi đời không thành sau những năm bôn ba xứ người Iraq: “Ngay cả giấc mộng "đổi đời” dở dang kia cũng đâu phải là vô nghĩa. Bởi cuộc đời đâu phải chỉ có một giấc mơ duy nhất để gầy dựng tương lai. Thiếu đi khát vọng và niềm tin, người ta sẽ gục ngã trước tai ương đời sống. Và trong những câu chuyện bình dị này, không có chỗ cho sự gục ngã.
‘Trở về từ Iraq’ là cuốn sách thứ ba của Trần Kiêm Hạ sau tập phóng sự 'Cuộc đời sau tay lái' và tập truyện ngắn 'Vùng biến mất'.
Hơn 20 bút ký riêng biệt trong một tập sách không tới 200 trang nhưng đọc xong, độc giả sẽ có cảm giác mình vừa gấp lại một bộ tiểu thuyết, khác chăng là tính hiện thực của mỗi thể loại. Tôi đã có cảm giác ấy chiều nay khi gấp lại tập bản thảo này.
Tôi như vừa đọc xong bộ tiểu thuyết về một người con xứ Huế yêu lao động, yêu gia đình và quê hương; trải qua những thăng trầm, nhọc nhằn lẫn hiểm nguy của cuộc mưu sinh nhưng trong hoàn cảnh nào vẫn giữ cho tâm hồn mình đầy cảm xúc và đau đáu với những giá trị nhân văn cần gìn giữ.