Sài Gòn xuất hiện nhiều rắn

Trưa 24-6, chuyên gia của Viện Sinh thái học miền Nam đã xuống khu phố 3B, phường Thạnh Lộc (quận 12, TP.HCM) để lấy mẫu một số loài rắn phục vụ công tác nghiên cứu.

Lo bị rắn cắn

Trước đó vài tiếng người dân bắt sống được một con rắn lục đuôi đỏ mới lớn. “Nó nằm trong đống củi khô gần nhà, nghi là rắn lục đuôi đỏ nên tôi bắt lên xem. Nó còn nhỏ nhưng cũng hung dữ lắm nên tôi phải bỏ vào cái chai để không bị cắn” - anh Thạch, người bắt được con rắn, kể lại.

Theo ghi nhận của chúng tôi, trong những ngày qua, người dân sống ven sông Sài Gòn (thuộc địa bàn phường Thạnh Lộc, Thạnh Xuân, quận 12) liên tục phát hiện và đập chết nhiều con rắn lục đuôi đỏ. Có người đi cắt cỏ ven sông còn bị rắn cắn phải đưa vào BV 175 để chữa trị. Thậm chí tại khu vực nội thành, ở một cửa hàng ngay giao lộ Nguyễn Trãi - Huỳnh Mẫn Đạt (quận 5) mới đây, người dân cũng phát hoảng khi thấy rắn lục đuôi đỏ xuất hiện…

Tình trạng rắn xuất hiện nhiều bất thường khiến người dân không khỏi hoang mang. “Khu này nhiều con nít nên thấy rắn lục đuôi đỏ nhiều quá ai cũng lo. Hôm trước, con gái tôi cũng suýt bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Chưa hết, vừa rồi người dân lại phát hiện thêm rắn xanh mình dài. Trước giờ khu này đâu có thấy rắn, không hiểu sao bây giờ lại nhiều quá!” - một người dân từng đập chết hơn 20 con rắn lục đuôi đỏ ở khu phố 3B, phường Thạnh Lộc lo ngại.


Rắn lục đuôi đỏ bị đập chết ở khu phố 3B, phường Thạnh Lộc, quận 12 (TP.HCM). Ảnh: TR.THANH

Đô thị hóa ven sông

Các bệnh viện thường chữa trị bệnh nhân do rắn cắn như Chợ Rẫy, 115, Nhi đồng… cho hay trong thời gian gần đây, thỉnh thoảng cũng có nhiều người dân ở TP.HCM bị rắn cắn phải nhập viện. Tuy nhiên, hiện chưa có đơn vị nào có số liệu thống kê cụ thể về các trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Tại một số khu vực rắn xuất hiện nhiều, cán bộ tổ dân phố cũng chỉ mới ghi nhận thông tin rắn xuất hiện, chưa có đơn vị nào khảo sát tìm nguyên nhân cụ thể.

Sau khi nhận được thông tin và hình ảnh rắn lục đuôi đỏ do PV Pháp Luật TP.HCM cung cấp, bước đầu TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, phỏng đoán nguyên nhân rắn xuất hiện nhiều có thể là do tình trạng đô thị hóa ven sông xảy ra rầm rộ. Theo đó, những khu vực bị san lấp làm dự án, rắn mất môi trường sống, thiếu nguồn thức ăn, chúng phải di chuyển sang nơi khác… Vì thế, người dân mới thường xuyên nhìn thấy loài rắn này. Theo TS Long, từ tháng 4 đến tháng 9 là thời gian rắn lục đuôi đỏ giao phối và sinh sản nên trong thời gian này người dân sẽ thấy rắn nhiều hơn những lúc khác. Trong thời gian này, rắn cũng hung dữ hơn.

TS Long cho rằng đây là hiện tượng bất thường, cần phải nghiên cứu, khảo sát thực tế mới có thể đưa ra những kết luận chính xác, khoa học. Một số chuyên gia về động vật hoang dã cũng chỉ nhận định chung nguyên nhân rắn xuất hiện là do đô thị hóa hoặc do biến đổi khí hậu…

Ông Nguyễn Đình Cương, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, đề xuất các đơn vị như kiểm lâm, Sở Y tế, Sở TN&MT và chính quyền quận, huyện… nên cùng vào cuộc để khảo sát, nghiên cứu, đưa ra kết luận cụ thể về nguyên nhân rắn xuất hiện nhiều để tránh gây hoang mang trong dân chúng.

Quận 12 lập tổ công tác xử lý rắn lục đuôi đỏ

UBND quận vừa họp với các ban ngành quận để thành lập tổ công tác nhằm nắm lại tình hình, đồng thời xử lý chuyện rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều ở địa phương thời gian qua. Theo báo cáo, hiện nay người dân mới mang lên UBND phường ba con rắn để địa phương xem xét, còn số lượng rắn do người dân đập chết hiện quận chưa nắm rõ. Sắp tới, tổ công tác sẽ làm nhiệm vụ thống kê lại số lượng, địa điểm rắn lục thường xuyên xuất hiện. Ngoài ra, tổ công tác cũng sẽ phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng quận hướng dẫn người dân cách phòng tránh rắn cắn, khi bị rắn cắn thì sơ cứu như thế nào, báo cho cơ quan nào gần nhất để xử lý...

Ông NGUYỄN TOÀN THẮNG,
Chủ tịch UBND quận 12, TP.HCM

Xuất hiện thêm rắn roi mõm dài

Tối 23-6, cũng tại khu phố 3B, phường Thạnh Lộc, quận 12 (TP.HCM) người dân còn phát hiện nhiều con rắn mình dài màu xanh, đầu nhọn, rất giống rắn lục và ít nhất có hai con rắn bị đập chết. Qua hình ảnh và mẫu vật thu giữ được, TS Vũ Ngọc Long - Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam cho biết đây là rắn roi mõm dài (Ahaetulla nasuta) thuộc họ rắn nước (Colubridae). “Loại rắn này không nguy hiểm nhưng rất hiếm gặp trong tự nhiên” - TS Long giải thích thêm.

Sài Gòn xuất hiện nhiều rắn ảnh 2

Rắn xanh mình dài, đầu nhọn người dân phát hiện và đập chết ở phường Thạnh Lộc. Ảnh: TR.THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm