Sai phạm khu phức hợp Chi Lăng gây hậu quả lớn

Ngày 29-3, Đoàn kiểm tra số 1 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế từ năm 2013 đến tháng 9-2018.

Đà Nẵng đã báo cáo về các sai phạm trong việc quản lý đất đai, đầu tư tại sân vận động (SVĐ) Chi Lăng liên quan vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm trong giai đoạn 2010-2015.

Giao đất không có căn cứ

Về quá trình kêu gọi đầu tư, lập thủ tục giao đất, qua xét xử và rà soát cho thấy việc giao đất khi chưa có quy hoạch được phê duyệt về tổng mặt bằng, quy hoạch chi tiết mà chỉ được phê duyệt dựa trên bản đồ ranh giới. Đất sử dụng cho mục đích sản xuất - kinh doanh - dịch vụ nhưng trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại ghi thời hạn sử dụng lâu dài.

Sai phạm lớn nhất là việc trong khi nhà đầu tư chưa triển khai thực hiện dự án, chưa làm thủ tục đăng ký đầu tư thì UBND TP Đà Nẵng đã cho phép tách SVĐ Chi Lăng thành 10 lô đất. Sau đó các công ty thành viên của Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng thế chấp vay vốn ngân hàng, phát sinh về tăng giá trị nợ và lãi vay.

Trong vụ án Phạm Công Danh, số tiền phải thu hồi ở TP Đà Nẵng rất lớn. Tài sản phải thu hồi theo bản án là dự án khu phức hợp dịch vụ cao tầng tại SVĐ Chi Lăng đến nay vẫn còn nhiều vướng mắc pháp lý chưa giải quyết được.

Đà Nẵng đã nhiều lần kiến nghị đề xuất xem xét, xử lý đối với vấn đề SVĐ Chi Lăng trên tinh thần muốn giữ lại SVĐ này làm công trình công cộng phục vụ cho người dân.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo cần giải quyết dứt điểm vụ việc liên quan đến sân vận động Chi Lăng. Ảnh: HOÀI AN

Tại buổi làm việc với đoàn công tác, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đề xuất xem xét, xử lý theo hướng tòa án xử hủy quyết định hành chính về việc giao đất, tách giấy đỏ không đúng quy định để Đà Nẵng thỏa thuận hoàn trả 1.200 tỉ đồng, lấy lại SVĐ Chi Lăng.

Ông Thơ cũng đề nghị Chính phủ và các cơ quan trung ương xem xét, chỉ đạo giải quyết sớm vì để kéo dài sẽ phát sinh thêm những phức tạp. “Hơn nữa, SVĐ Chi Lăng cũng là nơi ghi dấu nhiều sự kiện, nơi gửi gắm tình cảm gắn bó của nhân dân địa phương, nguyện vọng tha thiết được giữ lại” - ông Thơ cho hay.

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho là rất đồng tình với việc giữ lại SVĐ Chi Lăng nhưng việc giải quyết không đơn giản. Phương án thỏa thuận mà Đà Nẵng đề xuất không khả thi, phía ngân hàng khó chấp thuận vì họ bị thiệt thòi lớn.

Cần giải quyết dứt điểm vụ sân Chi Lăng

Đoàn kiểm tra đã đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tiếp tục chỉ đạo cơ quan rà soát, đánh giá, đề xuất hướng giải quyết từng vướng mắc khi thi hành án vụ Phạm Công Danh, chủ động thực hiện phần việc thuộc thẩm quyền của địa phương. Đồng thời, đề xuất hướng xử lý cụ thể đối với từng khó khăn, vướng mắc để Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan có hướng xử lý dứt điểm vụ việc.

Nghiên cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân

Nghiên cứu hoàn thiện các quy định theo hướng chú trọng vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng; bổ sung các quy định không chỉ người phạm tội mới có nghĩa vụ trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại mà bất kỳ ai đang chiếm hữu không có căn cứ pháp luật cũng phải thực hiện nghĩa vụ trên. Nghiên cứu bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội phạm tham nhũng nhằm tăng cường khả năng thu hồi tài sản.

Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng kiến nghị 

Kết luận, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá những sai phạm trước đây của Đà Nẵng ở SVĐ Chi Lăng gây hậu quả lớn, việc giải quyết thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan. Trên cơ sở đề xuất, tham mưu, Chính phủ sẽ làm việc với các cơ quan tố tụng xem lại bản án đã tuyên. Nếu có căn cứ thì đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng vụ án Phạm Công Danh đang được dư luận rất quan tâm, số tiền phải thu hồi lớn, tài sản phải xử lý để thi hành án là dự án khu phức hợp SVĐ Chi Lăng còn nhiều vướng mắc về pháp lý chưa được giải quyết. Phó Thủ tướng đề nghị Thành ủy Đà Nẵng tổng hợp cụ thể những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị để ban chỉ đạo và Chính phủ chỉ đạo giải quyết dứt điểm... Các cơ quan, đơn vị chủ động rà soát các vụ việc, vụ án thuộc thẩm quyền; áp dụng các biện pháp thu hồi, xử lý tài sản đúng quy định, đáp ứng được yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng…

Theo dự thảo kết quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế giai đoạn 2013-2018 tại Đà Nẵng, tổng số vụ án thụ lý, điều tra là 28 với tổng số tiền, tài sản đã phát hiện, thu giữ, tạm giữ, kê biên... là hơn 7,6 tỉ đồng, 11.632 g vàng, hai kiện ngà voi…

Tổng số vụ án trong giai đoạn xét xử là 23 vụ với tổng số tiền, tài sản đã phát hiện, áp dụng biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa là gần 70 tỉ đồng, hơn 12.000 g vàng, hai lô đất và tài sản gắn liền với đất…

Tổng số việc, số tiền cơ quan thi hành án dân sự các cấp thụ lý, thi hành là 58 việc với gần 4.000 tỉ đồng. Hiện cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thi hành xong 36 việc với số tiền là hơn 4 tỉ đồng... Riêng vụ Phạm Công Danh với số tiền 3.946 tỉ đồng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm