Saigon Co.op đang có kế hoạch kinh doanh thực phẩm hữu cơ tại hệ thống siêu thị Co.opmart
Trong hai ngày vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau phối hợp với Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ), Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), Hiệp hội Hữu Cơ Naturland và Saigon Co.op đồng phối hợp tổ chức hội thảo về tiềm năng sản xuất sản phẩm hữu cơ tại Việt Nam.
Hội thảo thu hút gần 200 đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp nhiều kinh nghiệm trong và ngoài nước về nuôi trồng, phát triển sản phẩm hữu cơ tham dự.
Tiềm năng sản xuất thực phẩm hữu cơ của Việt Nam lớn
Sự gia tăng về nhu cầu thực phẩm hữu cơ của người tiêu dùng Việt Nam trong thời qua cũng làm cho sản xuất xuất hữu cơ được chú trọng hơn. Sự tăng trưởng kinh tế và tính ổn định của ngành sản xuất hữu cơ của Việt Nam cũng là một trong những yếu tố quan trọng để đẩy mạnh chuỗi giá trị và tăng trưởng của ngành này trong tương lai.
Ngành nông nghiệp và nuôi thủy sản là những ngành sản xuất quan trọng nhất, có sự phát triển vượt bậc trong hơn hai thập kỷ qua, dù đang đối mặt với nhiều thách thức, phải đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu về sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng cao và đặc biệt là các sản phẩm hữu cơ.
Tiến sĩ Christian Henckes, Giám đốc Chương trình quản lý tổng hợp vùng ven biển (ICMP) do GIZ thay mặt chính phủ Đức và Austrailia thực hiện, cho biết khách hàng quốc tế luôn mong muốn chất lượng cao của sản phẩm tôm cũng như các sản phẩm khác của Việt Nam. Dần dần, khách hàng có xu hướng sử dụng nhiều thực phẩm sạch, do đó các sản phẩm hữu cơ được ưu tiên hơn.
“Chính phủ, các doanh nghiệp và người sản xuất phải hợp tác để đáp ứng được các tiêu chuẩn đề ra mà không làm tổn hại đến môi trường”- ông Christian Henckes nhấn mạnh.
Hiện nay, sản xuất hữu cơ tại Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Tuy nhiên, ngành này vẫn còn một số thách thức, đặc biệt là nhu cầu thị trường và các thực hành sản xuất vẫn cần được cải thiện hơn nữa, làm thế nào để thúc đẩy sản xuất xanh vẫn là một câu hỏi lớn.
Saigon Co.op đưa thực phẩm hữu cơ đến người dùng
Theo ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, sự hỗ trợ của quốc tế từ GIZ, SNV và các tổ chức khác cho sản xuất phát triển bền vững là hết sức quan trọng. Đồng thời, khối tư nhân, doanh nghiệp là yếu tố quyết định để hỗ trợ nhà nước trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng cải thiện các chuỗi giá trị, sản xuất thông minh; thích ứng với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh thương mại ngành nông nghiệp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện nay, một diện tích lớn nuôi tôm sú trong rừng ngập mặn của Cà Mau đã được chứng nhận bởi một số tiêu chuẩn quốc tế như Naturland, EU organics và các tiêu chuẩn khác. Điều này góp phần tăng lợi ích và giá trị cho người sản xuất nói riêng và cho phát triển kinh tế xanh nói chung.
Với vai trò doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu Việt Nam, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM -Saigon Co.op cũng đang có kế hoạch đưa vào hệ thống bán Co.opmart các sản phẩm hữu cơ đạt các chứng nhận quốc tế thông qua hàng loạt hoạt động kết nối chuỗi cung ứng ở các cấp độ khác nhau. Đây là một sáng kiến quan trọng để thúc đẩy cho ngành hữu cơ trong tương lai.
Ông Phạm Trung Kiên - Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op phát biểu tại hội thảo
“Chúng tôi chủ động tham gia vào nông nghiệp nhằm thu hẹp khoảng cách giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Thực hiện trách nhiệm xã hội để đem lại cuộc sống an toàn cho người tiêu dùng, từng bước nâng cao thu nhập của người nông dân. Cùng nông dân tạo ra sản phẩm nông nghiệp không làm tổn hại đến môi trường, nguồn đất, nguồn nước và sinh vật xung quanh” - ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op chia sẻ.
Có thể khẳng định rằng sản xuất hữu cơ là một trong những ngành sản xuất xanh, mang lại giá trị cho các sản phẩm của Việt Nam trên toàn cầu, đồng thời thiết thực hỗ trợ tiến trình bảo vệ bền vững dải ven biển của đồng bằng Sông Cửu Long.