Samsung 2 năm chưa được hoàn thuế 44 triệu USD, ngành thuế nói gì?

(PLO)- Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị các cơ quan thuế, hải quan tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại hội nghị đối thoại giữa Lãnh đạo TP.HCM và doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc năm 2023 vừa diễn ra, ông Choi Bundo, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc (KOCHAM) cho biết, nhiều DN đang vướng về giấy phép lao động cho người nước ngoài; đầu tư phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT)...

Samsung chờ hoàn thuế 44 triệu USD

Ông Youn Chel Woon, Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Samsung CE Complex cho biết, nhà máy Samsung SEHC tại Khu công nghệ cao khu công nghệ cao TP.HCM năm 2020 đã xin phép chuyển đổi từ loại hình DN thông thường sang loại hình DN chế xuất.

Ngày 1-5-2021 nhà máy chính thức nhận được phê duyệt trở thành DN chế xuất. Tuy nhiên, trước và sau khi chuyển sang loại hình DN chế xuất (tháng 4-2021 và từ tháng 6-2021 đến 12-2022) tiền hoàn thuế khoảng 44 triệu USD (khoảng 1.000 tỷ đồng), đến nay công ty vẫn chưa nhận được.

Theo ông Youn Chel Woon, từ tháng 7-2022, Cục thuế TP.HCM đã thực hiện việc kiểm tra trước hoàn thuế trong vòng hai tháng để đánh giá tính phù hợp của việc hoàn thuế.

Đồng thời hai lần gửi công văn báo cáo kết quả kiểm tra cho Tổng Cục thuế để kiến nghị hướng dẫn quyết định cuối cùng về việc hoàn thuế.

Ngày 3-7, tại Hà Nội, Tổng Cục thuế đã chủ trì cuộc họp với các bên nhưng đến nay, sau một tháng trôi qua vẫn chưa có bất cứ quyết định giải quyết nào được đưa ra.

“Từ thời điểm phát sinh tiền thuế VAT chưa được hoàn đến nay hơn hai năm, hoàn toàn chưa có bất cứ giải quyết nào được thực hiện. Không riêng Samsung, các DN có vốn đầu tư nước ngoài khác gồm cả một số nhà cung cấp vật tư của Samsung đang khó khăn lớn về việc hoàn thuế VAT”-ông Youn Chel Woon nói.

Tương tự, Công ty TNHH Samil Pharmaceutical (Samil) cho biết, việc chậm hoàn thuế VAT khiến công ty gặp khó khăn lớn về chi phí nghiên cứu, tuyển dụng chuyên gia.

Cụ thể, công ty đã đầu tư 92,5 triệu USD, đã hoàn thành việc xây dựng nhà máy cũng như lắp đặt máy móc trang thiết bị và đang chuẩn bị cho quá trình xin cấp giấy chứng nhận GMP.

Sau khi hoàn thành xây dựng nhà máy, lắp đặt máy móc, trang thiết bị, công ty đã nộp hồ sơ hoàn thuế VAT lên Cục Thuế TP.HCM ngày 27-2 thì được trả lời “ chưa đủ điều kiện hoàn thuế. Thiếu bản sao của một trong các giấy phép sau: giấy phép hoặc giấy chứng nhận hoặc văn bản xác nhận, chấp thuận kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện”.

Theo đại diện Samil, công ty đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký DN cũng như được Bộ Y tế cấp phép.

Hơn nữa, công trình xây dựng đã hoàn tất, công ty nhận được giấy hoàn công nên khó có thể đồng ý với ý kiến của Cục Thuế về việc “phải có thêm giấy phép hoặc chứng nhận” liên quan đến phần đầu tư nhà máy của Samil.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc phát biểu tại buổi đối thoại.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc phát biểu tại buổi đối thoại.

TP.HCM sẽ tiếp tục tháp gỡ khó khăn cho DN

Trả lời kiến nghị của Samsung, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục thuế TP.HCM cho biết, về vướng mắc của Samsung, Cục thuế TP.HCM có nhiều văn bản báo cáo Tổng Cục thuế.

Hiện nay Cơ quan Hải quan và Thuế đang xin ý kiến Bộ Tài chính quyết định cuối cùng việc cơ quan nào hoàn thuế cho DN.

Đối với vướng mắc công ty Samil, ông Dũng cho biết, mặc dù DN có giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận kinh doanh nhưng theo quy định về hoàn thuế tại Nghị định 19/2023, Thông tư 13/2023 một trong những thủ tục để được hoàn thuế là văn bản chấp nhận ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Theo ông Dũng, sau khi khu công nghệ cao có công văn đề nghị Bộ Y Tế góp ý cấp chứng nhận đầu tư cho Samil thì Bộ ủng hộ chủ trương, đồng thời đề nghị khu công nghệ cao hướng dẫn công ty hoàn thiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược theo quy định.

“Vì vậy, DN nhanh chóng hoàn thiện thủ tục này để sớm được hoàn thuế”-ông Dũng nói.

Về việc cấp giấy chứng nhận đầu tư trong khu công nghệ cao của công ty Samil, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, khi tiếp nhận được đơn của công ty, Sở làm việc với khu công nghệ cao để rà soát pháp lý của công ty.

Hiện nay khu công nghệ cao đã có báo cáo nhưng nội dung chưa rõ, Sở tiếp tục làm việc và sẽ báo cáo Uỷ ban và trả lời DN trong tháng 9.

Qua giải đáp của cơ quan thuế đối với công ty Samsung, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, Thành phố đề nghị cơ quan Thuế và Hải quan cần theo dõi thúc đẩy, cần thiết tham mưu của Uỷ ban có văn bản hoặc có cuộc làm việc để tháo gỡ khó khăn cho DN.

Đối với vấn đề công ty Samil, lãnh đạo Thành phố cho biết, trên tinh thần ủng hộ tạo điều kiện cho DN, đề nghị Ban quản lý khu công nghệ cao phối hợp hướng dẫn sớm cho công ty, cố gắng thực hiện xong trong tháng 9. Cục thuế tiếp nhận hồ sơ này và trả lời rõ ràng cho DN.

DN Hàn Quốc không tìm được nhà cung cấp linh kiện Việt Nam

Theo KOCHAM, trong số 1.800 DN ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam chỉ có khoảng 300 DN tham gia vào mạng lưới sản xuất của các công ty đa quốc gia.

Điều này dẫn đến tình trạng các DN FDI, gồm cả DN Hàn Quốc sau khi tiến vào thị trường Việt Nam không tìm được đối tác cung cấp nguyên vật liệu, linh kiện phù hợp. Điều này buộc DN phải phụ thuộc vào việc nhập khẩu từ nước khác.

Việt Nam cần phải có một bước nhảy vọt từ giai đoạn chỉ cung cấp những nguyên vật liệu đơn giản lên một cấp độ cao hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm