Sản lượng sản xuất xe máy ở Việt Nam giảm gần một nửa

(PLO)- Doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia ở các khâu cung ứng trong sản xuất xe máy, nhưng với sản xuất ô tô thì mới chỉ tham gia cung cấp các linh kiện như nhựa, cao su.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Sản lượng sản xuất xe máy ở Việt Nam trước đây đã đạt 4 triệu xe/năm thì năm 2021 giảm mạnh chỉ còn 2,5 triệu xe/năm”.

Bà Trương Thị Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), cho biết như trên tại Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản 2022, ngày 5-7.

Theo bà Bình, dù sản lượng giảm nhưng đây vẫn là ngành công nghiệp có sản lượng tốt nhất ở Việt Nam (VN) hiện nay, các doanh nghiệp (DN) VN đã tham gia ở các nấc cung ứng.

Một ngành nữa cũng được ưu tiên phát triển ở VN là công nghiệp ô tô. Hiện ngành này có sản lượng rất thấp. Sản lượng năm 2020 chỉ có 416.000 xe, trong đó chỉ có 60% được lắp ráp trong nước, tương ứng khoảng 250.000 xe và phân ra nhiều dòng xe khác nhau. Dòng xe có sản lượng lớn nhất là xe của Toyota VN cũng chỉ đạt được 30.000 xe/năm.

“Sự tham gia của DN VN trong chuỗi này cũng thấp. Đơn cử như Toyota VN rất nỗ lực để nội địa hoá nhưng đến nay họ cũng chỉ có 12 nhà cung cấp VN, các năm gần đây cũng chỉ thêm được 1-2 nhà cung cấp”, bà Bình nói.

Những năm qua, DN công nghiệp hỗ trợ của VN đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Ảnh: AH
Những năm qua, DN công nghiệp hỗ trợ của VN đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Ảnh: AH

Cũng theo phó chủ tịch của VASI, các lĩnh vực chính mà các nhà cung cấp VN cung cấp cho Toyota VN hay các hãng ô tô khác tại VN chủ yếu là nhựa, cao su vì linh kiện đó cồng kềnh, các DN buộc phải nội địa hoá trong nước.

Riêng về sản xuất xe ô tô điện, phó chủ tịch VASI đánh giá VN không có lợi thế gì hơn so với các DN trong khu vực, vì các DN cũng chưa có kinh nghiệm để làm linh kiện phụ tùng ô tô động cơ, chạy xăng.

Tuy vậy chính điều này lại là điểm lợi thế lớn nhất vì việc chuyển sang sản xuất cho xe điện sẽ nhanh hơn rất nhiều so với các quốc gia đang làm xe động cơ xăng.

“Quan trọng nhất vẫn là sản lượng ô tô điện có đủ hay không thì lúc đó mới nghĩ đến việc có lợi thế hay không trong sản xuất xe điện. Hi vọng Chính phủ VN có chính sách quyết liệt để khuyến khích người dân dùng xe điện. Hiện sản lượng xe xăng đang thấp như vậy là thời điểm thích hợp để chuyển sang xe điện” - Phó chủ tịch VASI nhấn mạnh.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cũng cho biết những năm qua, DN công nghiệp hỗ trợ của VN đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, cải thiện năng lực sản xuất và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Số lượng DN hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ chiếm gần 4,5% tổng số DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động, chiếm 8% lao động toàn ngành chế biến, chế tạo. Doanh thu sản xuất, kinh doanh đạt hơn 900 nghìn tỉ đồng, đóng góp gần 11% tổng doanh thu toàn ngành chế biến, chế tạo.

Một số DN sản xuất linh kiện VN có năng lực khá tốt tại những lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa - cao su kỹ thuật; săm lốp các loại. Các sản phẩm này đã đáp ứng được nhu cầu trong nước và được xuất khẩu tới nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Nhật Bản.

Tuy nhiên, năng suất của các DN công nghiệp hỗ trợ tại nhiều địa phương còn khá thấp, thiếu nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao, việc cấp vốn để đầu tư trang thiết bị còn khó, thiếu thông tin của các nhà cung cấp nguyên vật liệu chất lượng và giá rẻ ở nước ngoài

Nhà đầu tư thế giới đang chuyển dịch về Việt Nam

Bà Trương Thị Chí Bình, phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), cho biết trong bối cảnh hiện nay, với tác động của đại dịch COVID-19 và xung đột thương mại, xung đột chiến tranh đã xảy ra sự chuyển dịch đầu tư và chuyển dịch cung ứng từ các nước sang VN rất rõ rệt, cả chiều sâu và chiều rộng.

“Chúng tôi thấy rõ việc các nhà đầu tư chuyển dịch từ Trung Quốc sang VN. Các DN FDI đã thu hút lao động được đào tạo của DN VN sang phía họ. Sự chuyển dịch đầu tư vào VN chủ yếu là các nhà lắp ráp cụm linh kiện là chính, hiện diện ở các lĩnh vực điện, điện tử, cao su, cơ khí” - bà Bình thông tin.

Một dẫn chứng cụ thể được đưa ra tại hội nghị là một công ty Nhật Bản chỉ có 44 nhà máy tại Việt Nam năm 2021 thì đến tháng 3-2022 đã mở rộng đến 52 nhà máy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm