Sản phẩm khoa học của học sinh tạo ấn tượng mạnh

Đây là vấn đề được đề cập trong đề tài “Thiết kế thiết bị hỗ trợ nâng cao chất lượng giấc ngủ của học sinh THPT từ những vật liệu tái chế” của học sinh (HS) Trường THPT Gia Định (TP.HCM). Đề tài đã lọt vào vòng chung kết cấp TP cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho HS trung học vào ngày 8-1. 

Thiết bị 3 trong 1 giúp giấc ngủ sâu hơn

Chia sẻ về ý tưởng thực hiện đề tài, em Phạm Nguyễn Phương Khanh cho biết điều này xuất phát từ thực tế tại trường em đang theo học. “Khảo sát 250 HS của trường, kết quả cho thấy có đến 74,4% gặp phải những vấn đề về giấc ngủ. Đối với HS, giấc ngủ rất quan trọng. Chất lượng giấc ngủ kém sẽ ảnh hưởng sức khỏe và làm giảm sút chất lượng học tập. Từ thực tế trên, nhóm thực hiện đề tài này nhằm tìm ra giải pháp giúp các bạn HS có được giấc ngủ chất lượng hơn” - Phương Khanh nhấn mạnh.

Em Trần Phương Anh chia sẻ thêm phần lớn các loại đèn ngủ chỉ chú trọng vào kiểu dáng, chưa đầu tư vào nghiên cứu các yếu tố quan trọng để có giấc ngủ sâu. Bởi ngoài ánh sáng, mùi hương và âm thanh cũng tác động quan trọng đến giấc ngủ. “Vì thế sản phẩm của chúng em sẽ tích hợp được ba yếu tố trên và có thể tận dụng được một số vật liệu tái chế” - Phương Anh nói. 

Phương Anh cho biết thêm để thiết kế thiết bị, nhóm nghiên cứu những tiêu chí quan trọng của đèn để đảm bảo sức khỏe như màu sắc, công suất, tác động đối với côn trùng, góc chiếu, dễ thay thế, lắp đặt… Đối với âm thanh cũng cần chọn lựa loại nhạc phù hợp như cường độ âm thanh, tần số, các bản nhạc có giai điệu dễ ngủ, giai điệu ít biến tấu… Về tinh dầu để tạo mùi hương, nhóm cũng chú trọng loại nhẹ nhàng, có khả năng giảm stress, giảm những suy nghĩ tiêu cực, xua đuổi được côn trùng…

Sau ba ngày thử nghiệm, thiết bị đặc biệt 3 trong 1 đã nhận được nhiều phản hồi tích cực: Hài lòng với ánh sáng từ đèn, giai điệu từ các bản nhạc và mùi hương từ tinh dầu của thiết bị. Tuy nhiên, nhiều người tham gia không hài lòng vì khả năng khuếch tán tinh dầu kém cũng như chất lượng âm thanh.

Do đó, nhóm cho biết thời gian tới sẽ cải tiến để có thể kết nối âm thanh phát qua Bluetooth, WiFi; cải tiến phương pháp khuếch tán tinh dầu, cải tiến tinh dầu. Đặc biệt là thiết kế lại mô hình, tăng tính thẩm mỹ cho thiết bị. 

Xuất phát từ thực tế, học sinh Trường THPT Gia Định đã thực hiện đề tài “Thiết kế thiết bị hỗ trợ nâng cao chất lượng giấc ngủ của học sinh THPT từ những vật tái chế”. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Thiết bị lọc sát thủ bụi siêu mịn

Trước tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng ở Hà Nội và TP.HCM, hai HS Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đã thực hiện đề tài “Thiết bị quan trắc và lọc bụi siêu mịn trong không khí”.

Nói về đề tài, em Nguyễn Đức Tâm cho hay chất lượng không khí ở thủ đô Hà Nội và TP.HCM đã và đang vượt ngưỡng an toàn. Hiện có rất nhiều hệ thống quan trắc đo nồng độ bụi môi trường như AirVisual. Tuy nhiên, các thiết bị này chưa cho số liệu chính xác bởi vì số lượng cảm biến lấy mẫu ít, thời gian cập nhật lâu. 

Em Nguyễn Xuân Khoa, thành viên nhóm, chia sẻ thêm mục tiêu của đề tài nhằm tạo ra máy đo đạc và lọc bụi trong không khí để giải quyết ô nhiễm bụi và không khí đang ngày càng nghiêm trọng ở Việt Nam.

“Trong quá trình nghiên cứu, nhóm đã thiết kế ra các quạt lọc bụi nhỏ gọn, tiện lợi trong việc di chuyển, đồng thời tăng hiệu suất lọc bụi trong môi trường, giảm tiếng ồn, ngoài ra còn có thể tích hợp thiết bị lọc bụi tĩnh điện trên các quạt đứng, quạt treo tường”.

Các cảm biến lọc bụi có độ chính xác cao, nhỏ gọn giúp người sử dụng biết được môi trường không khí ở nơi mình đang ở” - Xuân Khoa nhấn mạnh. 

Khá bất ngờ vì nhiều đề tài rất sát thực tiễn

Mục tiêu của cuộc thi Khoa học kỹ thuật nhằm tạo ra một sân chơi khoa học cho HS thành phố. Đồng thời cuộc thi là cơ hội để giáo viên thay đổi phương pháp dạy học, cho HS vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề thực tiễn. Qua đó, tạo cho HS thói quen quan sát các hiện tượng xã hội, nhu cầu, các vấn đề nảy sinh trong xã hội để tìm cách giải quyết sao cho khoa học hơn, hiệu quả hơn và đem lại lợi ích cho cuộc sống. Đặc biệt là mang lại cho HS phương pháp làm việc khoa học ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Sản phẩm khoa học của học sinh tạo ấn tượng mạnh ảnh 2
Nhóm nghiên cứu đề tài “Thiết kế thiết bị hỗ trợ nâng cao chất lượng giấc ngủ của học sinh THPT từ những vật tái chế” lắng nghe những ý kiến góp ý từ ban giám khảo. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Tôi biểu dương, hoan nghênh các trường THCS đã tham gia cuộc thi. Mặc dù các đề tài còn hạn chế nhưng bước đầu đã tập cho HS thói quen nghiên cứu khoa học và thay đổi phương pháp dạy ở THCS. 

52 đề tài có mặt ở vòng chung kết đều xứng đáng được tôn vinh. Tôi đề nghị các trường, phòng giáo dục giới thiệu các sản phẩm trên tại các hội thi chuyên môn để làm sao nghiên cứu khoa học trở thành việc làm hằng ngày, hằng tuần và xuất hiện trong kế hoạch của nhà trường.

Ông NGUYỄN VĂN HIẾU, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm