Sáng 8-1, tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM diễn ra vòng chung kết cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh trung học cấp TP năm học 2019-2020.
Nam sinh Trường THPT Long Thới, Nhà Bè giới thiệu đề tài của mình cho khách tham quan. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Năm học này toàn TP có 187 đơn vị trường học tham gia nghiên cứu khoa học, trong đó có 60 trường THPT và 127 trường THCS với 786 đề tài, tăng 200 đề tài so với năm học 2018-2019.
Sau hai vòng chấm thi độc lập của các giám khảo, ban tổ chức đã chọn được 52 đề tài tham dự vòng chung kết cấp TP. Tại đây, các thí sinh phải trải qua vòng thi phỏng vấn của giám khảo chấm độc lập với nhau để chọn ra bốn đề tài xuất sắc dự thi cuộc thi KHKT cấp quốc gia tại Đà Nẵng.
Các đề tài nghiên cứu đa số đều xuất phát từ nhu cầu, bức xúc của thực tiễn.
Hai học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đã chế tạo nên một số thiết bị như máy quan trắc không khí, máy quạt và lọc bụi mini để bảo vệ sức khỏe trước tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Trước tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng ở Hà Nội và TP.HCM, hai học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đã thực hiện đề tài "Thiết bị quan trắc và lọc bụi siêu mịn trong không khí”.
Chia sẻ về ý tưởng thực hiện đề tài, em Nguyễn Đức Tâm cho biết chất lượng không khí ở thủ đô Hà Nội và TP.HCM đã và đang vượt ngưỡng an toàn. Hiện nay có rất nhiều hệ thống quan trắc đo nồng độ bụi môi trường như AirVisual. Tuy nhiên các thiết bị này chưa cho số liệu chính xác bởi vì số lượng cảm biến lấy mẫu ít, thời gian cập nhật lâu.
Vì thế mục tiêu của đề tài tạo ra máy đo đạc và lọc bụi trong không khí để giải quyết ô nhiễm bụi và không khí đang ngày càng nghiêm trọng ở Việt Nam. “Trong quá trình nghiên cứu, chúng em đã tạo ra các quạt lọc bụi nhỏ gọn, tiện lợi trong việc di chuyển, đồng thời tăng hiệu suất lọc bụi trong môi trường, giảm tiếng ồn… Các cảm biến lọc bụi có độ chính xác cao, nhỏ gọn giúp người sử dụng biết được môi trường không khí nơi mình đang ở” - Đức Tâm nói.
Các đề tài không chỉ gắn với lĩnh vực khoa học tự nhiên, ứng dụng công nghệ mới mà còn thể hiện tính nhân văn khi hướng tới các sản phẩm chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật như đề tài “Sa bàn đến trường dành cho học sinh khiếm thị ở mái ấm Huynh Đệ Như Nghĩa” của học sinh Trường THPT Long Thới.
Và có những đề tài tìm hiểu và giải quyết các vấn đề xã hội gần gũi lứa tuổi và gắn với thực tế tại TP.HCM.
Xuất phát từ thực trạng nhiều học sinh bị rối loạn giấc ngủ, nhóm học sinh Trường THPT Gia Định đã thực hiện đề tài “Nâng cao giấc ngủ cho học sinh THPT từ những vật liệu tái chế”.
Em Phạm Nguyễn Phương Khanh chia sẻ sau khi nghiên cứu về sự ảnh hưởng của ánh sáng, âm thanh và mùi hương đến chất lượng giấc ngủ, nhóm đã có một thiết kế ba trong một với nhiều chức năng phát ánh sáng, nghe nhạc và khuếch tán tinh dầu.
Theo nhóm nghiên cứu, thiết bị này sẽ giúp cải thiện và nâng cao chất lượng giấc ngủ cho người sử dụng. Đặc biệt, bộ thiết bị hoàn toàn làm bằng vật liệu tái chế, dễ thay thế và lắp đặt.
Bên cạnh đó, vòng thi còn nhiều đề tài gây chú ý như phần mềm theo dõi trạng thái cảm xúc nhận diện sớm nguy cơ rối loạn tâm lý ở học sinh trung học; mô hình trí tuệ nhân tạo dự đoán nguy cơ trầm cảm của học sinh THPT trên địa bàn TP.HCM; ứng dụng công nghệ AI để thiết kế thùng rác thông minh có khả năng tự phân loại rác thải…