Sản phẩm sạch 'khóc' vì thị trường kém minh bạch

Chiều nay, 6-1, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam tổ chức diễn đàn Doanh nghiệp (DN) đồng hành cùng nông nghiệp, nông dân, nông thôn năm 2020.

Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT Việt Nam, cho biết trong bối cảnh xung đột thương mại của nền kinh tế toàn cầu, một số thị trường như Trung Quốc đã áp dụng chặt chẽ các quy định về nhập khẩu thị trường. Các mặt hàng nông sản của chúng ta đã bị giảm giá 10%-15%. Tuy nhiên, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của nước ta năm 2019 vẫn đạt 41 tỉ USD. Tăng khoảng 3,5% so với năm 2018.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá tiềm năng phát triển nông nghiệp còn rất lớn, DN Việt Nam cần phải đi tắt đón đầu để phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Ảnh: AH


Đáng chú ý, lực lượng DN nông nghiệp trong năm qua tiếp tục tăng trưởng mạnh, đã thành lập được hơn 2.700 DN mới.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ông Hùng cũng nêu ra một số bất cập, yếu kém như tái cơ cấu nông nghiệp chưa đồng đều ở các địa phương, công nghiệp chế biến chưa đáp ứng được yêu cầu, tổn thất sau thu hoạch còn cao, mối liên kết giữa DN với DN còn lỏng lẻo...

"Chúng tôi đi tìm hiểu khá nhiều DN, thấy rằng các DN Việt Nam có mối liên kết quá kém, nhất là khi ra nước ngoài, thậm chí có tình trạng DN này nói xấu DN khác. Vừa rồi có những sản phẩm sạch phải "khóc" vì minh bạch thị trường kém quá nên người làm ăn tử tế bị phá giá và thiệt hại rất lớn” - ông Hùng chia sẻ. 

Do đó, để phát triển nông nghiệp bền vững, ông Hùng cho rằng cần phải kết nối mạnh mẽ DN với DN, DN với nông dân, DN với hợp tác xã.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT, cũng cho biết khi bước vào tháng 1-2019 thì thị trường Trung Quốc bắt đầu siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch, sau đó là ảnh hưởng của thương mại Mỹ-Trung. Vài ngày sau diễn biến mặt hàng gạo trở nên tiêu cực, ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi... khiến thị trường vô cùng phức tạp. 

Mô hình trồng cam "trứng" theo hướng sạch, an toàn của anh Vũ Duy Tân (huyện Lạc Thủy, Hòa Bình). Ảnh: AH


Trong các nhóm mặt hàng, chỉ có gỗ, tôm, hạt điều là giữ được kim ngạch trên 3 tỉ USD, gánh cho sụt giảm của ngành gạo, rau quả, thủy sản.

"Chúng ta đang chơi ở một thị trường vô cùng khốc liệt, khốc liệt đến từng mọi ngõ ngách. Nếu thị trường không có đầu ra sẽ rất khó, đây không chỉ là riêng câu chuyên của bộ Công Thương, mà là trách nhiệm chung. Do đó chúng ta luôn xác định Trung Quốc là thị trường truyền thống nhưng vẫn phải tìm cách đa dạng hóa thị trường. Ngay sau tết Nguyên đán, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT sẽ dẫn đầu đoàn sang Brazil để tìm hiểu" - ông Toản thông tin.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng cho biết hiện DN Việt Nam đã có mặt tại 193 vùng, lãnh thổ trên thế giới. Các thị trường lớn như châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ... cũng chiếm thị phần không nhỏ trong tỉ lệ xuất khẩu của DN Việt Nam.

Thứ trưởng cho rằng hiện nước ta có 8,6 triệu hộ nông dân, hơn 13.000 DN... nên các DN cần phải đi tắt đón đầu để phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

"Tiềm năng của nông nghiệp còn rất lớn, vấn đề là phải biết nắm thời cơ, có công nghệ cao, có thị trường, đặc biệt là chế biến sâu nâng cao giá trị gia tăng thì nhất định nông nghiệp Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, gia tăng thứ hạng quốc tế" - ông Tiến đánh giá.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm