Nhiều năm qua, Trung Quốc (TQ) luôn là thị trường tiêu thụ nông sản Việt Nam lớn nhất tính cả đường xuất khẩu chính ngạch và hoạt động biên mậu. Thế nhưng từ đầu năm đến nay, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản Việt sang thị trường khổng lồ này có chiều hướng giảm mạnh, thậm chí có mặt hàng gần như mất hút trên thị trường này.
Đành bỏ thị trường Trung Quốc
Kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường TQ liên tục tăng trưởng ở mức hai con số, bình quân trên 32% trong giai đoạn 2011-2016. Thế nhưng theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến hết tháng 7-2019, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường này chỉ đạt 1,6 tỉ USD, giảm hơn 7% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, riêng tháng 7 vừa qua xuất khẩu rau quả sang TQ giảm đến 44% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group, cho biết năm nay số lượng trái cây của công ty xuất sang TQ không đáng kể mà gần 100% xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, Úc, Canada.
“Gần đây thị trường TQ siết chặt tiểu ngạch và xuất qua đường chính ngạch cũng rất khó khăn. Ngoài ra, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng khiến lượng nông sản nước này xuất sang Mỹ giảm sút, buộc phải quay sang phục vụ thị trường trong nước. Để tăng tiêu thụ nội địa, TQ phải siết hàng nhập khẩu từ các nước, nhất là láng giềng Việt Nam nên hàng Việt vào nước này khó khăn hơn” - ông Tùng giải thích.
Hạt gạo cũng chung số phận khi xuất khẩu sang thị trường TQ tám tháng đầu năm nay sụt giảm rất mạnh cả về lượng giảm 68% và kim ngạch giảm 67% so với cùng kỳ năm ngoái. Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình, cho biết cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang buộc TQ phá giá đồng nhân dân tệ nhằm hỗ trợ xuất khẩu nhưng đối với nhập khẩu thì họ bị ảnh hưởng.
Ví dụ, trước đây TQ mua gạo của Việt Nam với giá 400 USD/tấn thì họ chỉ cần bỏ ra 2.400 nhân dân tệ. Còn bây giờ họ phải bỏ ra 2.800 nhân dân tệ để mua 1 tấn gạo. Chính vì vậy, các nhà nhập khẩu TQ quay sang ép giá gạo Việt Nam.
“Vì vậy, nhiều công ty xuất khẩu gạo Việt Nam ngưng xuất khẩu, thậm chí bỏ bán cho thị trường này, tìm kiếm thị trường khác” - ông Bình chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cũng đánh giá thị trường TQ có nhu cầu tiêu thụ thịt rất cao, vì trong thời gian qua dịch tả heo châu Phi đã khiến nước này thiếu trầm trọng. Tuy nhiên, TQ kiểm soát rất chặt chẽ heo Việt Nam nhập vào theo đường biên mậu. Ví dụ, họ siết đường biên bằng việc xây tường rào rất chắc chắn, lập đài quan sát đường mòn lối mở nên heo Việt Nam xuất qua khó.
Nông sản Việt cần đa dạng thị trường tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Ảnh: QH
Quy định bất khả thi với hàng Việt
Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình cho rằng thị trường TQ khó tính hơn, buộc doanh nghiệp trong nước cần xây dựng thương hiệu cho gạo Việt nói riêng và nông sản nói chung một cách chuyên nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm túc quy trình, quy định về kiểm dịch, xông hơi khử trùng, quy cách bao bì, đóng gói, tránh sai sót, rủi ro, có thể phát sinh khi xuất khẩu.
Giảm là đương nhiên TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, giải thích thêm hiện nay xuất khẩu chính ngạch qua TQ không nhiều. Hiện TQ chỉ nhập chính ngạch thanh long, xoài, chôm chôm, mít, chuối, vải, nhãn và dưa hấu của Việt Nam. Trong khi các loại trái cây này lâu nay Việt Nam quen bán cho thương lái TQ qua đường tiểu ngạch, không cần tiêu chuẩn hay điều kiện gì. “Giờ TQ siết nhập tiểu ngạch, còn xuất chính ngạch phải đạt tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc. Một số mặt hàng Việt không đáp ứng được các điều kiện khắt khe này dẫn đến kim ngạch xuất khẩu giảm là đương nhiên” - TS Mai nói. |
Đặc biệt, theo ông Bình, các doanh nghiệp Việt cần đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc vào thị trường TQ. Ngoài ra, đây cũng là lúc nông sản Việt nâng cao chất lượng, xây dựng tốt chuỗi liên kết với nông dân để khai thác các thị trường mà Việt Nam ký hiệp định thương mại tự do (FTA).
“Như hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được ký kết vừa qua, EU dành cho Việt Nam một hạn mức 80.000 tấn gạo mỗi năm với mức thuế 0%. Cùng với đó, EU cam kết dành tổng lượng hạn ngạch 80.000 tấn mỗi năm đối với gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm với thuế trong hạn ngạch là 0%. Gạo tấm được xóa bỏ thuế trong năm năm. Sản phẩm từ gạo được xóa bỏ thuế trong 3-5 năm. Gạo Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chuẩn mà EU đưa ra” - ông Bình chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Trương Đình Hòe, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng doanh nghiệp cần bỏ tâm lý coi thị trường TQ dễ dãi, tập trung xuất khẩu chính ngạch, nâng cao chất lượng, mẫu mã... của sản phẩm. Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam phải xây dựng kênh tiêu thụ, phân phối hàng hóa tại TQ.
Tuy vậy, TQ đưa ra một số quy định được cho là bất khả thi với hàng Việt. Ví dụ, TQ thiếu thịt, cơ hội cho Việt Nam chỉ có con đường là xúc tiến thỏa thuận xuất khẩu heo sống qua con đường chính ngạch, kiểm soát dịch bệnh. Cơ quan quản lý hai nước đã làm việc với nhau nhiều lần về vấn đề này nhưng để xuất khẩu chính ngạch, phía TQ đặt ra yêu cầu khó thực hiện như phải nuôi tập kết ở sát biên giới, TQ sẽ kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh trong suốt một tháng mới được cấp phép nhập heo sống.
“Để xuất khẩu chính ngạch, Việt Nam chỉ có cách là chăn nuôi heo theo chuỗi, kiểm soát từ gốc, từ các trại nuôi vận chuyển đi thẳng sang TQ chứ bắt đưa heo lên tập kết ở biên giới cả tháng nữa rồi mới mua thì không khả thi” - ông Trọng nhấn mạnh.
Gạo gần như mất thị trường Trung Quốc Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong lĩnh vực xuất khẩu ngành hàng nông thủy sản từ năm 2016-2018 sang TQ, mức tăng trưởng trung bình hằng năm là 12,5%. Tuy nhiên, trong tám tháng đầu năm 2019, xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam sang TQ giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, tại hội thảo phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam thường niên - năm 2019 mới đây, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết: Trước đây, TQ là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam nhưng sang năm 2019, Việt Nam gần như mất thị trường quan trọng này, chỉ đạt khoảng 300.000 tấn. Trước tình hình đó, các doanh nghiệp đã nỗ lực tìm kiếm, khai thác các thị trường khác, đặc biệt là thị trường Philippines và khu vực châu Phi. |