Sao 'cấm' được người bán vé số dạo?

Không có cơ sở để cấm

 Người bán dạo bán nhiều loại vé để khách hàng dễ lựa chọn

Thông tin nhiều tỉnh miền Trung không cho phép người bán dạo vé số bán vé "trái tuyến" đã làm nhiều người lao động phổ thông lo lắng.

 Theo luật sư Huỳnh Thanh Đông - Đoàn Luật sư TP.HCM: "Phải xác định “thế nào là bán dạo, việc bán vé số dạo có hợp pháp không, cơ sở pháp lý nào để xử phạt người bán dạo bán vé số trái tuyến”. Quy định ở khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007 định nghĩa: Cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh. Nên người bán vé số là cá nhân hoạt động thương mại, không phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh. Theo nguyên tắc, công dân được phép làm những gì pháp luật không cấm. Việc bán vé số dạo là không trái pháp luật".

Thông tin TP Đà Nẵng ra quy định người bán vé số dạo không được bán vé số  Vietlott, luật sư Đông cho biết: “Điều 13 Thông tư 75 ngày 4-6-2013 của Bộ Tài chính quy định địa bàn phát hành các loại vé xổ số chỉ được áp dụng đối với các công ty sổ xố và đại lý cấp 1 được thể hiện trong hợp đồng với các đại lý". Quy định được hiểu là công ty xổ số chỉ được phát hành vé số trong địa bàn được phép phát hành mà không đề cập đến người bán dạo. Do không đề cập và người bán vé số dạo cũng không phải là đối tượng được nêu trong Điều 37 Nghị định 98/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong kinh doanh xổ số nên không có cơ sở nào xử phạt họ”.

Về việc này, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định: “Nếu phân tích dưới nhiều góc độ thì quyết định của TP Đà Nẵng là không hợp lý về pháp lý và ý nghĩa". Việc TP Đà Nẵng ban hành quyết định không cho phép người bán dạo bán vé số Vietlott có thể là nhằm bảo đảm ổn định thị trường và tuân thủ quy định trong hoạt động kinh doanh xổ số. Nhưng theo ông Hiển, "Ổn định thị trường là phải đảm bảo các sản phẩm được cạnh tranh theo hướng tăng quyền lựa chọn của khách hàng và không để hàng gian, giả trà trộn. Vé số Vietlott với cơ chế giám sát trúng thưởng - trả thưởng của Bộ Tài chính có mức độ quản lý cao hơn địa phương và khách hàng có thêm sự lựa chọn. Về khía cạnh pháp lý, quy định của Bộ Tài chính được hiểu là Vietlott không được tổ chức bán lẻ cá nhân. Còn việc một cá nhân mua vé số xong bán lại cho người khác thì không có văn bản pháp luật nào cấm TP Đà Nẵng cũng không có cơ sở pháp lý về việc một người bán dạo bán lại vé số Viettlot”.  

Xét trên góc độ rộng hơn về môi trường kinh doanh thì quyết định của TP Đà Nẵng là điển hình cho tư duy cũ về “thị trường độc quyền” và “ngăn sông cấm chợ” đã không phù hợp với kinh tế thị trường hiện nay.

Hưởng giá chênh lệch: Chỉ là hành vi “thuận mua vừa bán”

Mua bán vé số dạo chỉ là một hành vi trao đổi dân sự. Trường hợp vé số được người bán dạo bán lại với giá cao hơn 1.000-2.000 đồng, nghĩa là người mua lại sẵn sàng chi trả cho việc "mua giùm" để họ không đến đại lý, thì việc mua -bán này hợp pháp.

Còn người bán dạo bán giá khác với giá mà họ mua từ Vietlott, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định: “Trong kinh tế thị trường, cơ quan nhà nước chỉ tập trung xem một công ty có dùng sức mạnh tài chính để bán dưới giá nhằm thu hút khách hàng, còn bán cao giá hơn thì họ chỉ có chết vì khách hàng tẩy chay. Với trường hợp này, 2.000 đồng tăng thêm là chi phí mua giùm cho khách hàng của người bán dạo. Vậy, việc cộng thêm 2.000 đồng không phải là do Vietlott vi phạm làm rối thị trường mà là phần thu nhập được hưởng của người bán dạo do khách hàng trả.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới