Sập cầu ở Ý: Kiệt tác thành thảm họa

Số người chết trong vụ sập cây cầu cao tốc trên không Morandi ở TP cảng Genoa thuộc tỉnh Genova, vùng Liguria (Bắc Ý) tính đến ngày 15-8 đã tăng lên 38 người. Con số này có thể sẽ còn tăng khi có tới hàng chục người đang nguy kịch trong bệnh viện, ba người vẫn còn mất tích, theo Bộ trưởng Nội vụ Ý Matteo Salvini.

Từ kiệt tác kỹ thuật …

Đoạn cầu dài 50 m của cầu Morandi - một trong những tuyến đường huyết mạch vào TP Genoa - đổ sập vào khoảng 12 giờ trưa 14-8 (giờ địa phương), lôi theo khoảng 35 ô tô và xe tải đang lưu thông trên cầu. Từ hình ảnh hiện trường có thể thấy từng tảng bê tông khổng lồ rơi đè lên một đoạn đường ray xe lửa, hai nhà kho và một con sông bên dưới. Theo Bộ Bảo vệ công dân Ý, có tới 1.000 cảnh sát, lính cứu hỏa, người tình nguyện tập trung tại hiện trường cứu hộ.

Khoảng 400 người sống trong khu vực gần chiếc cầu sập nhanh chóng được sơ tán, do lo ngại hai đoạn còn lại của cây cầu này có thể sẽ sập theo. Nhà chức trách Ý cũng lo ngại nguy cơ rò rỉ khí gas do địa điểm sập cầu nằm ngay tại một nhà máy công nghiệp.

Cây cầu Morandi dài 1.182 m, nối TP Genoa và các thành phố phía Bắc Ý đến các bãi biển của vùng Liguria, cũng như nối Ý với Pháp, được khánh thành năm 1967, từng trải qua một lần đại tu lớn trong thập niên 1990. Cây cầu do kỹ sư người Ý Riccardo Morandi thiết kế, cao hơn mặt đất gần 10 m. Thời điểm đó cây cầu này được xem là một “kiệt tác kỹ thuật”.

Nguyên nhân cầu sập chưa được xác định. Hiện các công tố viên đã xúc tiến điều tra. Trưởng văn phòng Công tố TP Genoa, ông Francesco Cozzi, tuyên bố đã sẵn sàng đệ đơn kiện về tội giết người bất cẩn một khi khoanh vùng được bên chịu trách nhiệm.

Hiện trường cứu hộ sập cầu cao tốc trên không Morandi từng được xem là “kiệt tác kỹ thuật”.  Ảnh: CNN

Tổng thống Ý Sergio Mattarella tuyên bố sẽ không bỏ qua trách nhiệm của bất kỳ bên liên quan nào. Bộ trưởng Hạ tầng và Giao thông Ý Danilo Toninelli ngày 15-8 kêu gọi các lãnh đạo cấp cao công ty quản lý cầu Morandi từ chức, chịu trách nhiệm vụ sập cầu.

Theo ông Toninelli, chính phủ sẽ cân nhắc tước quyền quản lý các tuyến đường cao tốc của Autostrade per l’Italia, trong đó có cầu Morandi và sẽ trừng phạt tài chính lên tập đoàn mẹ Atlantia. Atlantia và Autostrade per l’Italia có thể sẽ phải chịu khoản phạt khổng lồ, 150 triệu euro. Trước mắt, ông Toninelli đã chỉ đạo kiểm tra tính an toàn của toàn bộ các hạng mục hạ tầng lớn khắp nước Ý, cho biết chính phủ sẽ thực hiện ngay việc bảo dưỡng các cơ sở hạ tầng giao thông cảm thấy có vấn đề.

… thành “thất bại kỹ thuật”

Theo hãng tin Ansa (Ý), trong một báo cáo năm 2011, Công ty Autostrade per l’Italia cũng thừa nhận cây cầu đã bị xuống cấp. Theo báo cáo thì “từng hàng dài xe cộ và mật độ giao thông dày đặc mỗi ngày làm cầu Morandi xuống cấp nghiêm trọng”, rằng cây cầu cần được liên tục bảo dưỡng. Trung bình có tới 60.000 xe cộ qua cây cầu này mỗi ngày. Theo tờ báo tài chính Il Sole 24 Ore của Ý thì tháng 4 năm nay Công ty Autostrade per l’Italia đã mở gói thầu trị giá 20 triệu euro bảo dưỡng, tu bổ lại cây cầu.

Hơn thế, CBS News dẫn ý kiến nhiều chuyên gia cho biết thiết kế cây cầu dễ bị tổn thương, rằng cây cầu cần được rà soát lại toàn bộ thiết kế và xây dựng chứ không chỉ bảo dưỡng thông thường.

Theo GS kỹ thuật người Ý Antonio Brencich tại ĐH Genoa, “loại cầu này có thể sập bất cứ lúc nào mà không có cảnh báo nào trước đó, sẽ không bao giờ hiểu được hoàn toàn về nguy cơ của một cây cầu lớn như thế này”. GS Brencich từng dự đoán về nguy cơ sập của cây cầu này từ hai năm trước. Cụ thể, tháng 7-2016, GS Brencich từng lên tiếng rằng cây cầu cần phải được thay thế hoặc được xây dựng lại.

“Cầu Morandi được xem là một kiệt tác về kỹ thuật, thực tế nó lại là một sự thất bại. Sẽ tới lúc chi phí bảo dưỡng còn nhiều hơn chi phí xây dựng và rồi chúng ta cũng phải thay thế nó” - GS Brencich từng nói khi trả lời phỏng vấn truyền thông Ý hai năm trước. Chính phủ Ý đã đổ không ít tiền vào công tác bảo dưỡng cây cầu này trong hai thập niên 1980-1990, tính tới nay chi phí bảo dưỡng đã chiếm tới 80% chi phí xây dựng cầu.

Cầu Morandi có tuổi đời hơn nửa thế kỷ. Theo GS Brencich, có những cây cầu vẫn hoạt động an toàn cả 100 năm mà không cần bảo dưỡng, cho thấy cầu Morandi là một “thất bại kỹ thuật”. Trong tuyên bố ngày 14-8, chính Công ty Autostrade per l’Italia cũng thừa nhận lẽ ra các công việc sửa chữa cấu trúc cầu và giúp cầu trở nên an toàn hơn cần phải được thực hiện trước khi thảm họa xảy ra.

Một tài xế xe tải may mắn thoát chết nói với báo Corriere della Sera (Ý) trong kinh hoàng: “Tôi nghe một tiếng ầm và tôi rơi thẳng xuống”. Một tài xế khác băng gạc đầy mình nói trong cơn sốc tại hiện trường: “Tôi đang đứng trước đầu chiếc xe tải của mình. Rồi tôi văng xa giống mọi thứ trên cầu lúc đó. Còn chiếc xe tải của tôi thì bị chôn bên dưới”. Một người đàn ông bị thương nặng ở vai cho biết ông rơi từ độ cao 10 m xuống và va vào một tấm bê tông, sau đó không nhớ gì cả.

Anh Davide Capello, một cầu thủ bóng đá sống sót thần kỳ, cho biết: “Tôi nhìn thấy cây cầu đổ sập ngay trước mặt mình và tôi bắt đầu rơi xuống cùng với nó. Tôi quả thật rất may mắn. Tôi không bị ngất và nhanh chóng gọi lính cứu hỏa đến cứu ra”. Anh Pietro M, một người đi đường, cho biết anh thấy có một ánh chớp đánh vào cây cầu ngay trước khi cầu sập. Ý hiện đang trong thời điểm thời tiết xấu. TP Genoa đang trải qua một cơn bão.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm