Để giải quyết khó khăn này, mới đây Sở Tài Nguyên và Môi trường (Sở TN&MT) đã có văn bản gửi UBND TP.HCM để tìm lối ra cho việc thiếu vật liệu xây dựng phục vụ dự án.
Sau khi Sở TN&MT TP.HCM làm việc với các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Vĩnh Long, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, An Giang và Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông), Sở TN&MT đã có báo cáo tổng thể về tình hình cung cấp vật liệu cho dự án.
Sơ đồ tuyến vành đai 3 TP.HCM. Đồ họa: HỒ TRANG. |
Cụ thể, đối với đất đắp nền, đá xây dựng, Sở TN&MT cho rằng về cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu VLXD cho dự án.
Trong đó, đất đắp nền, Sở TN&MT các tỉnh Bình Dương và Long An đã cam kết đáp ứng đủ khối lượng đất đắp nền cung cấp cho dự án; Bình Dương cung ứng khoảng 70% nhu cầu VLXD; Long An cung ứng khoảng 30% nhu cầu VLXD.
Đối với đá xây dựng: Sở TN&MT tỉnh Bình Dương và Đồng Nai cùng cam kết cung ứng khoảng 40% nhu cầu VLXD của dự án; Bà Rịa – Vũng Tàu cam kết đáp ứng khoảng 20%.
Đối với cát xây dựng: Sở TN&MT tỉnh Bình Dương đảm bảo đáp ứng đủ khoảng 30% nhu cầu VLXD cho dự án; Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai đảm bảo đáp ứng đủ 40% nhu cầu dự án. Như vậy, tổng lượng cát xây dựng sẵn sàng cung cấp cho dự án khoảng 70%.
Đối với 30% khối lượng cát xây dựng còn lại, Sở TN&MT cho biết dự kiến sẽ lấy tại An Giang và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tuy nhiên, theo ý kiến của Sở TN&MT tỉnh An Giang, các mỏ cát xây dựng tại địa phương đều đã được cấp phép khai thác đồng thời phải ưu tiên cung cấp cho các tuyến cao tốc và các công trình trọng điểm như: Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; tuyến nối Quốc lộ 91, tuyến tránh TP Long Xuyên, tuyến N1 Tân Châu - Châu Đốc.
Mặt khác, tuy tỉnh An Giang và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có quy hoạch các mỏ cát vùng núi, nhưng các mỏ cát này không hiệu quả về kinh tế do diện tích và chi phí giải phòng mặt bằng lớn, điều kiện vận chuyển khó khăn.
Đối với cát đắp nền (cát san lấp): Các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long có khả năng đáp ứng khoảng 50% nhu cầu dự án. Tuy nhiên để khai thác khoáng sản phục vụ dự án cần được chấp thuận chủ trương của UBND cấp tỉnh.
Đối với 50% nhu cầu cát đắp nền còn lại dự kiến sẽ lấy tại Đồng Tháp (khoảng 20%) và An Giang (khoảng 30%). Tuy nhiên hai địa phương trên từ chối cung cấp cho dự án với lý do ưu tiên phục vụ các dự án trọng điểm tại địa phương.
Trước thực trạng trên, Sở TN&MT TP đã kiến nghị UBND TP một số phương án nhằm đảm bảo nguồn cung VLXD phục vụ dự án đường vành đai 3.
Cụ thể, kiến nghị UBND TP có văn bản gửi UBND các tỉnh gồm Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bà Rịa – Vũng Tàu có chủ trương cho phép khai thác khoáng sản (cát xây dựng, cát đắp nền) phục vụ dự án đường vành đai 3.
Đồng thời, tổ công tác rà soát, điều phối nguồn vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án đường vành đai 3.
Các Sở TN&MT các tỉnh xây dựng kế hoạch khảo sát thực tế tại các mỏ của các địa phương. Từ đó, lập danh sách các mỏ khoáng sản đang khai thác có trữ lượng đáp ứng nhu cầu dự án và danh sách các mỏ dự phòng, các mỏ đang gia hạn giấy phép... để báo cáo UBND TP.