Đội tuyển Thái Lan khác phần còn lại của Đông Nam Á. Nếu bóng đá Đông Nam Á phần đáy là Brunei, Đông Timor, Lào… thì phần đỉnh chỉ có một là Thái Lan.
Khi Supachai ghi bàn mở tỉ số cho Thái Lan ở sân Panaad trước đội tuyển Philippines thì có bình luận viên Việt Nam “phán” ngay: “Thái Lan cố gắng đánh bại Philippines nhằm lên ngôi nhất bảng để tránh Việt Nam”. Sau đó, khi Thái Lan hòa với Philippines thì cũng một số bình luận viên lại kết luận: “Thái Lan đã bộc lộ họ cũng có nhiều điểm yếu…”.
Thật nguy hiểm cho lối tư duy kiểu ảo mộng.
Không phải quá tôn vinh người Thái nhưng cách chơi của Thái Lan ở cấp đội tuyển luôn trên các đội Đông Nam Á khác một “đẳng”. Từ cách thể hiện của cầu thủ trên sân đến sự vận hành từ những cá nhân cho đến một bộ máy dù họ thiếu rất nhiều vị trí chủ lực.
Hãy nhìn trận Thái Lan - Indonesia rồi Philippines - Thái Lan. Cả hai trận đấu, người Thái đều thể hiện cách chơi để thắng nhưng không phải bằng mọi giá, đặc biệt với trận gặp Philippines khi phải đá trên mặt sân xấu và đối thủ dồn lực để đánh bại họ bằng mọi giá.
Thái Lan dù chưa vào bán kết nhưng vẫn cho thấy sức mạnh vượt trội so với các đội còn lại. Ảnh: BANGKOK POST
Tuyển Thái Lan khi đối đầu với các đội Đông Nam Á tại các vòng knock out AFF Cup luôn ứng xử rất khôn khéo. Sự khôn khéo đến độ lạnh lùng xuất phát từ lực mạnh, từ bản lĩnh và từ sự trên chân của một đội bóng đẳng cấp hơn.
Còn nhớ chung kết lượt đi AFF Cup 2016, trước sức nóng khủng khiếp ở sân Bung Karno thì thầy trò HLV Kiatisak đã thua chủ nhà Indonesia 1-2. Sau đó năm ngày, về sân nhà Rajamangala thì họ đã đánh bại Indonesia 2-0 và lên ngôi vô địch.
AFF Cup 2014 cũng thế, khi Thái Lan và Philippines đối đầu nhau ở bán kết, ở trận lượt đi thì Thái Lan sang Philippines làm khách và hòa 0-0, bốn ngày sau về sân nhà họ “giũa” Philippines 3-0… Vào chung kết, Thái Lan tiếp tục đánh bại Malaysia và lên ngôi vô địch.
Tuyển Thái Lan rất biết chọn cách chơi, rất khôn ngoan trong thể hiện và biết cách tìm lợi thế, tìm chiến thắng khi cần. Đó mới là một đội bóng lớn bao hàm nhiều thứ, từ cách chơi, cách ứng xử từng trận, cách bài binh bố trận sân nhà, sân khách và thực lực của họ.
Thái Lan khác xa những đội còn lại cứ ra sân là phải bằng mọi giá thắng vì “ngày mai chưa biết thế nào”. Nhưng với Thái Lan giàu thực lực thì họ thể hiện sự cao cơ hơn. Thậm chí còn xem AFF Cup chỉ là bước đệm cho sân chơi chính quan trọng hơn ở tầm châu Á là Asian Cup.
Trong bóng đá cần tự tin vì đó là sức mạnh rất quan trọng để bước đến những danh hiệu cao quý. Tuy nhiên, trong khi thầy trò HLV Park Hang-seo vẫn rất cẩn trọng cho từng trận đấu và thậm chí là không xem thường cả Campuchia thì những bình luận viên “hướng dẫn dư luận” cứ gắn cho đội tuyển Việt Nam chuyện lật đổ ngôi đầu của Thái Lan đơn giản là thời cơ và thậm chí là chỉ có ta mới xứng đáng vô địch.
Hô hào kiểu đấy thì có bằng hại đội tuyển.