“Nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) sẽ được thiết kế dạng lắp ghép (bán kiên cố), không phải đào bới đường. Hệ thống xử lý nước, xả thải, môi trường thông qua xe bồn cung cấp. Thời gian thực hiện khoảng 10-12 tháng”.
Ông Lê Minh Thơ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinasing, đề xuất như trên về phương án xã hội hóa đầu tư NVSCC trên toàn TP.HCM.
Xây nhà vệ sinh là cần thiết
Trong sáng 11-8, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã có buổi làm việc với Công ty CP Thương mại và Truyền thông Vinasing và Công ty Mister Loo về đề án xây dựng NVSCC trên TP.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lê Minh Thơ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinasing, đề xuất đầu tư 1.000 NVSCC, 10 xe bồn tiếp nước, 500 thùng rác công cộng. Tổng kinh phí dự kiến khoảng 110 tỉ đồng.
Đổi lại, TP.HCM tạo điều kiện cho Vinasing được phép sử dụng cầu vượt bộ hành và cầu vượt cơ giới trên địa bàn để khai thác quảng cáo trong vòng 15 năm. Song song đó, Vinasing sẽ có trách nhiệm bảo trì toàn bộ số cầu vượt mà công ty này khai thác.
Trên địa bàn TP.HCM hiện có 208 NVSCC do nhiều đơn vị quản lý. Theo Sở TN&MT TP.HCM, số lượng như trên chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP, cho biết theo chỉ đạo của TP, Sở phối hợp với các sở, ngành liên quan đã họp bàn, thống nhất việc đầu tư xây dựng NVSCC là phù hợp và cần thiết. Nhưng cần phải có khảo sát tổng thể để xác định quy mô đầu tư hợp lý, đồng thời phải có cơ chế phối hợp từ việc đầu tư đến vận hành, quảng cáo. Đồng thời, cần phải phù hợp với nhu cầu của người già, trẻ em, người khuyết tật… Riêng việc quảng cáo trên cầu bộ hành, luật không cho phép quảng cáo bên ngoài cầu nên phía Công ty Vinasing cần phải tính toán lại. Ngoài ra, công ty phải nêu rõ năng lực tài chính và ký quỹ bảo trì, bảo dưỡng NVSCC.
Nhà vệ sinh công cộng khang trang, đầy đủ tiện nghi tại Công viên 23-9, quận 1. Ảnh: HTD
Thu phí 5.000-10.000 đồng
Trong khi đó, Công ty Mister Loo (Thụy Sĩ) đề xuất xây dựng hệ thống NVSCC sáng tạo với phòng vệ sinh sạch sẽ và thiết bị tân tiến. Việc xây dựng, vận hành, bảo trì với các thiết bị an toàn với cộng đồng, môi trường. Hệ thống nước thải với các bể tự hoại có vi khuẩn lắp đặt nổi hoặc ngầm mà không cần dùng bột hóa chất. Nước thải sau khi xử lý có thể sử dụng tưới cây hoặc sử dụng lại cho nhà vệ sinh.
Công ty Mister Loo sẽ đặt NVSCC tại trung tâm TP, nhà thờ Đức Bà, đường Bùi Viện, phố đi bộ Nguyễn Huệ, trạm xe buýt, ga xe lửa, trước quán bar… Kích thước loại nhỏ là 25 m2, trung bình là 40 m2. Dự kiến vốn đầu tư khoảng 25.000-40.000 USD/nhà vệ sinh. Đặc biệt, Công ty Mister Loo sẽ trả tiền thuê đất cho TP.
Phương án thu hồi vốn của Công ty Mister Loo đưa ra là thu phí dịch vụ 5.000-10.000 đồng/khách. Đổi lại, khách sử dụng dịch vụ sẽ được phục vụ máy lạnh, khăn lau tay, các dụng cụ sẽ được lau chùi sau mỗi lượt sử dụng… Việc xử lý chất thải của các NVSCC này bằng các bể tự hoại có dòng hồi lưu bằng công nghệ sinh học để xử lý, lọc nước và có thể tái sử dụng nguồn nước này để tưới cây và phục vụ ngược lại cho việc xả nước tại NVSCC.
Cho thí điểm để đánh giá hiệu quả Về chủ trương làm NVSCC thì không còn bàn cãi gì nữa. TP đã thống nhất để thực hiện nhằm góp phần xây dựng TP văn minh, thanh lịch trong mắt người dân và du khách. Hầu hết ai cũng cho rằng NVSCC là cần thiết nhưng khi triển khai thì gặp hai cái khó, đó là vị trí xây dựng và kinh phí đầu tư. Để thực hiện hiệu quả vấn đề này, yêu cầu Vinasing làm thí điểm trước một công trình đảm bảo phù hợp về vị trí, mẫu mã, đảm bảo mỹ quan, chất lượng và hoàn thành trước ngày 2-9 để TP kiểm tra, đánh giá. Về vấn đề khai thác quảng cáo, đề nghị Vinasing phải nghiên cứu thêm, đặc biệt khai thác quảng cáo tại các NVSCC. Đối với đề án của Công ty Mister Loo, TP không có ý định thu tiền sử dụng đất cho các dự án NVSCC. Do đó, đề nghị Công ty Mister Loo tính toán lại giá dịch vụ. Giao Sở TN&MT làm việc với Công ty Mister Loo, tạo mọi điều kiện cho công ty khảo sát, lên phương án, thiết kế thi công, sau đó UBND TP sẽ có kết luận. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM TRẦN VĨNH TUYẾN |