treo bảng cho du khách sử dụng NVS miễn phí) và doanh nghiệp xây NVS có gắn bảng quảng cáo, tới xa hơn nữa là mở cửa các cơ quan nhà nước để người ta vô sử dụng chung NVS… như chuyện làm vì nhu cầu của người dân nhưng nhiều ý kiến lại nói không nên. Tại sao?
Đồng ý là TP.HCM là nơi tập trung du khách rất đông; đồng ý luôn là ở nhiều khu vực, tìm đỏ con mắt cũng không thấy NVS nhưng nếu vậy thì vấn đề là NVS chứ đâu phải là NVS miễn phí. Hai cái này khác nhau nhiều lắm.
NVS đâu phải là cái chỉ... xây lên là xong! Chất lượng của NVS không chỉ là trang thiết bị ban đầu, mà là quá trình chăm sóc, dọn dẹp đúng chuẩn, đảm bảo sạch sẽ, không trở thành ổ lây nhiễm vi trùng, bệnh tật. Không duy trì được chuẩn mực dịch vụ, NVS đẹp cỡ nào cũng xuống cấp, bốc mùi. Vấn đề là lao động của con người. Nhà hàng, quán ăn chỉ cung cấp được lao động trong phạm vi nguồn lực của mình chứ treo bảng miễn phí, khối lượng lao động tăng lên, khó mà đáp ứng. Bước vô một NVS sạch sẽ, trang thiết bị hoạt động tốt, có đủ nước sạch, xà phòng, khăn giấy, người sử dụng không có cảm giác bị đối xử theo kiểu hạ thấp giá trị, theo kiểu bố thí đồ miễn phí, không có cảm giác “một lần đi không trở lại”... tất cả điều này đòi hỏi đầu tư đến nơi đến chốn chứ không phải đòi hỏi tâm từ thiện hoặc làm miễn phí. Các doanh nghiệp cũng cần cẩn thận. Một thương hiệu nổi tiếng bị gắn liền với một NVS bẩn thỉu thì còn phản cảm hơn, bởi còn gì là sự “sạch sẽ” của thương hiệu ấy!
Các cơ quan công quyền lại càng nên cẩn thận. Phần lớn cơ quan ở trung tâm thành phố là cơ quan đầu não, bộ mặt của chính quyền. Cơ quan là cơ quan, nơi duy trì phép nhà luật nước, không thể là nơi cung cấp NVS cho du khách, mất sự nghiêm túc đi. Cái nào có mục tiêu của nó, cơ quan nhà nước là để điều hành, quản trị xã hội, Sở Du lịch có quan điểm tốt nhưng cũng nên nghĩ cho chín chắn chứ người dân thấy du khách cứ đương nhiên ra vô cơ quan để giải quyết nhu cầu cá nhân thì e cũng bực bội trong lòng vì thể diện của mình bị xem nhẹ.
Nhìn ra thiên hạ, ở châu Âu, hàng trăm cây số dọc đường là rừng, đồi, đồng cỏ, người dân vẫn không lợi dụng đường vắng, họ lái xe đến điểm dừng, đổ xăng, mua vài thứ tiện dụng và đi vệ sinh, tất nhiên là có phí, trung bình nửa euro một người một lượt. Người ta trả phí như một quy tắc của nếp sống văn minh. Ở cạnh mình thôi, Thái Lan, trong chủ trương phát triển du lịch, những NVS ở khu du lịch đã bắt đầu thu phí. Xây dựng đẹp, dịch vụ tốt, du khách chấp nhận không phiền hà gì với một mức phí phù hợp. Ai không có tiền lẻ để trả phí, gần đó có sẵn quầy đổi tiền lẻ luôn.
Hãy cứ thống nhất vậy đi: Không có gì là miễn phí. Cứ “đúng giá”, vậy tốt hơn nhiều. NVS đẹp, đảm bảo chất lượng dịch vụ, bố trí mạng lưới hợp lý, hệ thống bảng chỉ dẫn rõ ràng, dễ tìm,... cứ vậy mà đầu tư cho đúng, cho đủ. Cần phải đòi hỏi người dân, đòi hỏi khách du lịch thực hiện các quy tắc sinh hoạt xã hội ở một tầm mức cao hơn chứ không phải hạ thấp yêu cầu xuống thành “miễn”...
Và cuối cùng, cũng đừng nhầm lẫn chuyện người dân sẵn lòng giúp đỡ, cho sử dụng NVS khi khẩn cấp với chuyện “miễn phí”. Đây là chuyện tinh thần tương trợ, khác với dịch vụ công. Không thể kêu gọi tinh thần hào hiệp, lối sống văn hóa của người dân để thay thế cho một phần dịch vụ công. Thay vì vậy, hãy cố gắng cung cấp nền tảng dịch vụ công đủ tốt để giữ gìn và tôn vinh tinh thần, lối sống ấy của người dân thành phố.
NGÔ TỰ (Quận 3, TP.HCM)