Hãng tin AFP dẫn lời sĩ quan cảnh sát Khem Pannara cho biết vụ sập trần xưởng đóng giày ở tỉnh miền nam Kampong Speu làm sáu người thiệt mạng và rất nhiều công nhân khác bị thương.
“Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu người bị mắc kẹt trong đống đổ nát” - sĩ quan Pannara thừa nhận.
Một nhân chứng tên Sokny, 29 tuổi, cho biết cảnh sát địa phương và các công nhân xưởng giày hiện vẫn đang đào bới đống đổ nát để tìm kiếm người mất tích. “Hằng ngày có khoảng 100 công nhân làm việc tại xưởng, nhưng tôi không rõ bao nhiêu người có mặt hôm nay. Tôi bị sốc nặng vì thấy máu me vương vãi trên đống nổ nát” - cô Sokny bàng hoàng.
Theo AFP, ước tính Campuchia thu về 4,7 tỉ USD từ hàng may mặc và giày dép hồi năm 2012. Tuy nhiên công nhân may mặc, da giày bất mãn với đồng lương thấp và điều kiện làm việc tồi tệ đã tổ chức một số cuộc biểu tình, đình công.
Hồi tháng 2-2012, ba công nhân Hãng Kaoway Sports thiệt mạng trong một cuộc biểu tình. Khi đó, một số tay súng đã bắn vào đám đông công nhân. Vụ việc đã khiến các hãng thời trang phương Tây như Puma, Gap, H&M bày tỏ sự lo ngại và đòi chính quyền Campuchia điều tra.
Khoảng 400.000 trong tổng số 650.000 công nhân may mặc và da giày Campuchia làm việc cho các hãng thời trang nước ngoài. Sau nhiều tháng biểu tình, hồi đầu tháng này Campuchia đã nâng mức lương tối thiểu cho công nhân may mặc và da giày từ 61 USD/tháng lên 75 USD/tháng.
Sau vụ sập tòa nhà xưởng may ở Bangladesh tháng trước làm 1.127 người thiệt mạng, dư luận thế giới đặc biệt quan tâm đến điều kiện lao động tại các xưởng may ở châu Á.
Theo Nguyệt Phương (TTO)