Nhiều người dân sinh sống ven đê sông Tiền thuộc ấp Khu Phố, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè (Tiền Giang) lo lắng không yên khi tình hình sạt lở ven sông Tiền nơi đây diễn ra ngày một nghiêm trọng hơn, nguy cơ nhà cửa của người dân sẽ bị cuốn trôi ra sông bất cứ lúc nào.
Trám từng vết sạt lở, mong giữ được đất
Theo người dân tổ 9, ấp Khu phố, khoảng hơn một năm nay tình hình sạt lở ven đê sông Tiền tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy hiểm, đe dọa đến cuộc sống và nhà ở của người dân ven đê.
Theo người dân, kể từ vụ sạt lở nghiêm trọng nhất tại ấp Khu Phố xảy ra vào ngày 5-8-2023 làm 6 căn nhà đổ sụp hoàn toàn xuống sông, hàng chục nhà khác rơi vào vùng nguy hiểm, đến nay tình hình sạt vẫn tiếp diễn rất phức tạp.
Theo ghi nhận, tại khu vực sạt lở có chiều dài hàng trăm mét, nhiều vị trí sạt lở đã ăn sâu vào chân đê. Đất ven sông nhiều vị trí bị nứt toác, nhiều nơi tạo hàm ếch rất nguy hiểm.
Theo chính quyền địa phương xã Hòa Hưng, hiện khu vực sạt lở ở Tổ 9, ấp Khu Phố có khoảng 13 hộ đã di dời, hiện còn 6 hộ nằm trong vùng sạt lở nghiêm trọng chưa thể di dời. Nguy cơ sạt lở rình rập bất cứ lúc nào.
Được biết những hộ tại khu vực sạt lở này đa phần đều thuộc diện khó khăn, phải làm thuê làm mướn kiếm sống, không có đất để di dời.
Cụ bà Đặng Thị Y (77 tuổi, người dân ở ấp Khu Phố) cho biết hơn một năm nay bà luôn sống trong thấp thỏm, lo âu. Lo lắng sạt lở ăn sâu hơn vào cửa nhà, liên tiếp trong nhiều tháng nay, hễ con nước rút là bà Y lại mua xi măng, cát, đá trộn lại thành hồ rồi ôm thau hồ hì hục lội xuống bờ sông, trám từng vết lõm sạt lở ăn sâu vào chân đê để giữ đất, cát không bị cuốn trôi.
“Cầm cự được lúc nào hay lúc đó, nếu không chịu khó làm vậy thì có lẽ căn nhà của tôi đã đổ sụp xuống sông rồi” - bà Y nói.
Ông Ngô Văn Mến (người dân ở ấp Khu Phố) cho biết đoạn sông này gần đây sạt lở rất nghiêm trọng. Nguy cơ sạt lở đang tiếp tục đe dọa đến tính mạng và nhà ở của người dân nơi đây.
“Hơn một năm nay rồi, chúng tôi luôn sống trong cảnh lo sợ. Trong tổ bà con bỏ nhà đi hết rồi, đau lòng lắm, hiện nơi này chỉ còn có 6 hộ bám trụ lại thôi. Tôi vận động bà con cùng nhau mua xi măng, cát đá để chung sức vá những chỗ sạt lở, mong là giữ được tấc đất nào hay tấc đó, chứ bây giờ đâu có đất đâu mà di dời” - ông Mến nói trong nghẹn ngào.
Nhiều người dân ở tổ 9 ấp Khu Phố bày tỏ họ rất trông mong Nhà nước sớm xây kè kiên cố để ngăn sạt lở khu vực này để người dân an tâm sinh sống.
Đề xuất sớm xây kè kiên cố, ổn định cuộc sống người dân
Ven sông Tiền, không chỉ riêng khu vực xã Hòa Hưng bị sạt lở. Hiện tại trên địa bàn 2 xã An Hữu và Tân Thanh, huyện Cái Bè tình hình sạt lở bờ sông cũng rất nghiêm trọng.
Để xử lý các khu vực sạt lở này, Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang vừa có báo cáo đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư dự án xử lý sạt lở qua các khu vực trên với chiều dài 1,1km.
Theo báo cáo đề xuất của Sở NN&PTNT, tổng nguồn vốn thực hiện dự án nêu trên khoảng 236 tỉ đồng từ ngân sách Trung ương và địa phương. Thời gian thực hiện dự án được đề xuất từ năm 2024-2025.
Theo đó, tuyến kè được xây dựng sẽ đảm bảo an toàn cho khu vực dân cư ven sông Tiền xã Hòa Hưng, An Hữu, Tân Thanh của huyện Cái Bè. Đồng thời từng bước chỉnh trang, ổn định bờ sông để đảm bảo an sinh, phát triển sinh kế, đáp ứng mong mỏi của bà con ven sông.
Ông Nguyễn Hồng Thái - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hưng đánh giá tình hình sạt lở bờ sông Tiền khu vực ấp Khu Phố đang diễn biến hết sức phức tạp. Chính quyền xã luôn kiểm tra, nhắc nhở bà con thường xuyên kiểm tra, gia cố đê bao, nhà cửa để đảm bảo an toàn. Nhà nào có nguy cơ sạt lở cao, xã sẽ vận động bà con di dời.
“Về lâu dài, chính quyền xã cũng mong chính quyền cấp trên, các cấp, các ngành hỗ trợ để người dân không còn đất để di dời được tái định cư. Đồng thời, xã mong cấp trên hỗ trợ địa phương sớm xây bờ kè kiên cố qua khu vực ấp Khu Phố để ngăn chặn tình trạng sạt lở diễn biến xấu thêm, đảm bảo an toàn cho người dân” - ông Thái nói.