Ngày 19-4, một nguồn tin xác nhận chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai sạt lở bờ sông, suối trên địa bàn huyện Ia Pa.
Theo đó, phạm vi công bố sạt lở thuộc ba khu vực, gồm thôn Quý Đức, xã Ia Trok bờ sông Ayun với hơn 1.500 m; khu vực cầu Ia Kdăm thuộc sông Ba, qua xã Ia Kdăm với hơn 1.000 m và trạm bơm điện Chư Răng 2 ở suối Đăk Pi Hao, xã Chư Răng với hơn 1.200 m.
Theo quyết định trên, tình trạng sạt lở bờ sông, suối trên địa bàn huyện Ia Pa xảy ra ngày càng nghiêm trọng, với tổng cộng 19 điểm sạt lở, tổng chiều dài hơn 16 km, hàng năm sạt lở khoảng 23.600 m2 đất sản xuất của người dân.
Tại các khu vực trên, có rất nhiều công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi quan trọng, đất đai, tài sản của hàng trăm hộ dân. Trong đó, sạt lở còn ảnh hưởng đến quốc lộ Đông Trường Sơn là tuyến đường giao thông độc đạo của huyện Ia Pa đi các huyện phía đông như thị xã Ayun Pa, Kông Chro, Đăk Pơ, thị xã An Khê và các tỉnh Bình Định, Phú Yên.
Biện pháp khẩn cấp cần áp dụng để khắc phục hậu quả là theo dõi thường xuyên diễn biến mưa, lũ, sạt lở; kịp thời tổ chức sơ tán người, tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm, bố trí đảm bảo lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết cho nhân dân tại nơi sơ tán theo phương chấm “bốn tại chỗ”.
Tổ chức việc di dời để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. Thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng nguy hiểm; kịp thời bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn người và phương tiện qua lại các khu vực ngập lụt hoặc bị sạt lở nghiêm trọng.
UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các cơ quan chức năng, địa phương tham mưu, đề xuất đầu tư xây dựng công trình kè chống sạt, lở.
Theo một nguồn tin, tỉnh Gia Lai sẽ thực hiện kè chống sạt lở bờ sông, suối tại ba khu vực ở huyện Ia Pa với dự kiến kinh phí 150 tỉ đồng từ ngân sách trung ương.