Sông Đắk Bla chảy qua TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum chỉ một đoạn ngắn nhưng có đến 11 mỏ cát được cấp phép khai thác. Đoạn phía thượng nguồn, tiếp giáp với huyện Kon Rẫy cũng có nhiều mỏ cát khác được cấp phép… Tình trạng này khiến đoạn sông trên đứng trước nguy cơ sạt lở trầm trọng.
Khai thác cát dày đặc, bờ sông sạt lở
Giữa tháng 4, sông Đăk Bla đoạn qua xã Đăk Bla, TP Kon Tum nhiều chỗ đã trơ đáy, xuất hiện nhiều hầm hố do hút cát gây ra, dòng sông cạn kiệt, nước đục ngầu.
Theo ghi nhận của PV, giữa trưa nắng, đoạn sông Đăk Bla qua làng Kon Jơ Drẻ, xã Đăk Bla vẫn có bốn đến năm tàu hút cát nổ máy inh ỏi. Sau khi cát hút lên, nước bùn trả lại khiến dòng sông đục ngầu, đặc quánh, kéo thành vệt dài.
Một số tàu neo sát bờ để hút cát, thấy có người lạ ghi hình liền dừng hút. Khi người lạ vừa đi xa, tiếng máy tàu lại ầm ầm hoạt động trở lại.
Theo phản ánh của người dân, sông Đăk Bla trước đây nước rất trong xanh. Tuy nhiên, sau khi hàng loạt mỏ cát được cấp phép hoạt động, nhiều đoạn sông bị sạt lở nghiêm trọng, nước sông đục ngầu.
Chị Y Yên (ngụ làng Kon Jơ Drẻ, xã Đăk Bla) phản ánh các tàu khai thác cát ở đây đã lâu, khai thác suốt ngày. Tối đến, hàng đoàn xe tải vào chở cát đi. Đất của gia đình chị Yên bị sạt lở sát bờ sông nhưng lâu nay không thấy ai đến kiểm tra, bồi thường.
Nhà cũng ở cạnh bờ sông, ông A Hoan nói: “Người dân chúng tôi nhiều lần phản ánh, kiến nghị nhưng chưa cơ quan nào giải quyết. Họ hút cát quá nhiều gây sạt lở bờ sông, đất đai của người dân".
Theo ghi nhận, hai bên bờ sông Đăk Bla đoạn từ xã Đăk Bla đến trung tâm TP Kon Tum có rất nhiều điểm sạt lở, nhiều vị trí đã “nuốt" nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân.
Theo Phòng TN&MT TP Kon Tum, địa phương này hiện có hơn 20 mỏ cát được cấp phép khai thác. Trong đó, chỉ riêng đoạn sông Đăk Bla có đến 11 mỏ cát, tập trung nhiều nhất tại xã Đăk Bla với tám mỏ cát. Thời gian khai thác các mỏ cát kéo dài đến năm 2031.
Sở nói không ảnh hưởng nhưng địa phương phải họp khẩn
Giải thích việc cấp phép khai thác hàng loạt mỏ cát trên đoạn sông qua TP Kon Tum, ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Kon Tum, cho rằng quy hoạch cấp mỏ do do ngành xây dựng phụ trách trình UBND tỉnh, Sở TN&MT chỉ phụ trách việc đấu giá các mỏ được duyệt, quản lý khoáng sản.
Ông Lộc nói trách nhiệm giám sát hoạt động khai thác các mỏ cát thuộc về chính quyền cấp xã, phường, TP. Khi có phản ánh, Sở TN&MT mới thành lập đoàn kiểm tra, xác minh.
Theo ông Lộc, các mỏ cát được cấp phép khai thác đều có vị trí, tọa độ cụ thể. Nếu khai thác không đúng giấy phép là vi phạm. Theo quy định, việc khai thác cát chỉ diễn ra ban ngày và không được khai thác sát bờ sông.
Ông Lộc cho rằng các mỏ cát được cấp phép khai thác đều được đánh giá tác động môi trường nên sẽ không ảnh hưởng gì đến môi trường. "Sông ở đây không như đồng bằng, hút sâu là gặp đá nên không ảnh hưởng gì lòng sông"- ông Lộc nói.
Trong khi đó, trao đổi với PLO, ông Dương Anh Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Kon Tum, nói TP đã tổ chức họp khẩn với bí thư, chủ tịch UBND các xã phường liên quan để xử lý tình trạng khai thác cát ảnh hưởng dòng sông Đăk Bla, môi trường, mỹ quan TP. UBND TP đã giao các cơ quan chức năng cùng chính quyền các địa phương tổ chức rà soát, xử lý các doanh nghiệp khai thác cát vi phạm.
UBND TP Kon Tum cũng giao Phòng Nội vụ chủ trì, tham mưu UBND TP chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra vi phạm pháp luật, buông lỏng quản lý trong hoạt động khai thác khoáng sản; tạo điểm nóng, gây bức xúc trong dư luận xã hội trên địa bàn mà không kịp thời xử lý dứt điểm.
Thế nhưng, trao đổi với PV, ông Dương Văn Tuyn, Phó phòng TN&MT TP Kon Tum, cho rằng gần đây hoạt động khai thác cát trên địa bàn TP diễn ra bình thường, không phát hiện vi phạm gì.
Trong năm 2023, cơ quan chức năng có xử lý, xử phạt hành chính hai đơn vị. Còn từ đầu năm đến nay, Phòng TN&MT TP chỉ nhận phản ánh của "duy nhất một người dân".
Khi PV cung cấp thông tin, hình ảnh người dân phản ánh về tình trạng khai thác cát gây sạt lở bờ sông Đăk Bla, ông Tuyn nói Phòng TN&MT sẽ xác minh, làm rõ.
UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo kiểm tra
UBND tỉnh Kon Tum vừa có văn bản, giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng liên quan khẩn trương tổ chức kiểm tra, làm rõ thông tin phản ảnh nhiều mỏ cát được cấp phép khai thác trên dòng sông Đăk Bla có nguy cơ ảnh hưởng dòng chảy, gây sạt lở hoa màu của người dân.