Trước tình trạng khai thác cát tràn lan, khó kiểm soát tại khu vực giáp ranh, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Kon Tum phối hợp, giao công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng tỉnh Kon Tum thành lập tổ công tác hoặc có phương án đấu tranh, phòng chống khai thác khoáng sản trái phép.
Theo UBND tỉnh Gia Lai, tại khu vực lòng hồ thuỷ điện IaLy, một số đơn vị được Bộ Công Thương cấp phép nạo vét và tình hình khai thác trái phép khu vực này trở nên phức tạp, khiến công tác quản lý, giám sát, phát hiện, xử lý khai thác trái phép trở nên khó khăn.
Lập lờ giấy phép “nạo vét”
Theo Công an huyện Chư Păh, khu vực lòng hồ thủy điện Ia Ly (thuộc tổ dân phố 3, thị trấn Ia Ly) có bốn doanh nghiệp hoạt động khai thác, nạo vét cát, sỏi. Vừa qua, đơn vị đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Gia Lai tiến hành kiểm tra và bắt giữ nhiều phương tiện tàu vỏ sắt khai thác cát trên khu vực lòng hồ. Tuy nhiên, quá trình xử lý lại vướng, phải "cầu cứu" cơ quan chức năng.
Cụ thể, trong bốn doanh nghiệp trên, có ba đơn vị đã được Bộ Công thương cấp phép hoạt động nạo vét lòng hồ trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện Ia Ly từ năm 2023 (thời hạn 5 năm), gồm: Công ty TNHH MTV Nhất Quý Gia Lai, Công ty TNHH MTV Khang Minh Đạt Gia Lai, Công ty TNHH xây dựng Trường Sơn.
Riêng Công ty TNHH MTV Thuận Nguyên hoạt động khai thác cát tại tỉnh Kon Tum vận chuyển, tập kết về bãi chứa tại bờ hồ chứa nhà máy thủy điện Ia Ly.
Để có cơ sở xử lý, giám sát hoạt động này, Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh Gia Lai) đã có văn bản đề nghị các Sở TN&MT, Sở Công thương và Sở NN&PTNT làm rõ, hoạt động khai thác cát của các doanh nghiệp trên do Bộ Công thương cấp phép có phải là khai thác khoáng sản sản phép không? Nếu không thì vi phạm ở mức nào?
Vấn đề này, Phòng Cảnh sát Kinh tế, viện dẫn thủy điện Ia Ly thuộc loại đập, hồ chứa nước quan trọng đặc biệt theo quyết định 470/QĐ-TTg ngày 26-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ. Phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi được quy định là khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản tại Điều 28 Luật Khoáng sản.
Đồng thời thuỷ điện Ia ly thuộc khu vực cấm hoạt động khoáng sản liên quan đến hành lang an toàn công trình thuỷ điện theo quyết định số 1011/QĐ-UBND, ngày 7-11-2017 của UBND tỉnh Gia Lai.
Do đó, ngành chức năng tỉnh Gia Lai cần làm rõ các vấn đề liên quan hoạt động khai thác cát trên khu vực lòng hồ thủy điện Ia Ly. Từ đó, mới có cơ sở xử lý, tránh hoạt động khai thác cát ảnh hưởng an toàn hồ chứa thủy điện và tránh gây thất thoát ngân sách do khai thác trái phép.
Bộ cấp nhưng không báo cho địa phương
Ông Lê Xuân Dũng, Trưởng phòng TN&MT huyện Chư Păh, cho biết việc Bộ Công thương cấp giấy phép nạo vét lòng hồ cho các doanh nghiệp như vậy gây ra rất nhiều khó khăn cho địa phương. Thời gian qua, các doanh nghiệp đi vào hoạt động nhưng không báo cáo cho địa phương về kế hoạch, phương án nạo vét, vị trí… ra sao, khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.
Theo phản ánh của người dân, hoạt động khai thác cát khu vực này diễn ra rất nhiều vào ban đêm. Trong khi ngành chức năng đi kiểm tra thì thiếu nhân lực để giám sát, lúc đi kiểm tra thì lại không phát hiện gì, "mọi hoạt động kiểm tra dường như bị theo dõi".
Đồng thời, ông Dũng đặt nghi vấn: Nếu là nạo vét, khơi thông lòng hồ thủy điện đáng lý ra các doanh nghiệp này phải được chi trả công nạo vét. Trong khi họ đầu tư phương tiện, nhân lực rất tốn kém nhưng không nhận được gì là vô lý! Họ hút cát để làm gì?
Theo ông Dũng, hoạt động nạo vét lòng hồ mà có trữ lượng cát lớn nhưng không có phương án đánh giá cụ thể, giải pháp tận thu, đấu giá… sẽ có nguy cơ gây thất thoát tài nguyên.
Trưởng Công an huyện bị tố hành vi trái pháp luật
Tối 15-11, Công an huyện Chư Păh tiến hành kiểm tra tại khu vực hồ thủy điện Ia Ly (tổ 3, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh) phát hiện một ô tô biển xanh 80B-2839 có gắn đèn hiệu ưu tiên và một ca nô số đăng ký CA38-53-019 có nhiều nghi vấn nên lập biên bản, tạm giữ phương tiện để điều tra, xác minh.
Ngay sau đó, ông Nguyễn Ngọc Mậu, Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Trường Sơn, đã có đơn tố cáo gửi Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai và lãnh đạo Công an tỉnh, VKSND tỉnh Gia Lai. Ông Mậu đề nghị xử lý hành vi trái pháp luật, tự ý cưỡng chế tài sản của trưởng Công an huyện Chư Păh vì cho rằng hai phương tiện này là của khách đang sửa chữa tại công ty.
Không thuộc thẩm quyền quản lý của Sở TN&MT
Mới đây (ngày 20-11), Tổ kiểm tra liên ngành huyện Chư Păh đã kiểm tra hoạt động nạo vét, bãi chứa và vận chuyển, mua bán khoáng sản của ba doanh nghiệp được Bộ Công thương cấp phép tại ba bãi tập kết với 12 vị trí ở khu vực lòng hồ thủy điện Ia Ly.
Qua đó, phát hiện tọa độ các bãi tập kết của Công ty TNHH MTV Nhất Quý Gia Lai và Công ty TNHH MTV Khang Minh Đạt Gia Lai không trùng với tọa độ giấy phép của Bộ Công thương cấp, khu vực tập kết nằm trong phạm vi an toàn hồ đập, dưới cao trình 517.
Tại bãi tập kết của hai công ty này có khoảng 1.300 m3 cát, sỏi thu hồi từ hoạt động nạo vét lòng hồ thủy điện Ia Ly cùng một số phương tiện giao thông khác như máy xúc, tàu, thuyền.
Riêng Công ty TNHH xây dựng Trường Sơn chưa xuất trình được đầy đủ các loại giấy tờ liên quan khi Tổ liên ngành kiểm tra. Bãi tập kết của công ty có 60 m3 cát, nằm dưới cao trình 517 của thủy điện Ia Ly và có ba tàu vỏ sắt đang neo đậu, cùng nhiều phương tiện.
Sau kiểm tra, Thượng tá Trần Văn Linh, Phó trưởng Công an huyện Chư Păh, Tổ trưởng Tổ kiểm tra liên ngành yêu cầu các doanh nghiệp phải giữ nguyên hiện trạng bãi tập kết, nghiêm cấm việc vận chuyển khoáng sản ra ngoài.
Đồng thời, đề nghị UBND huyện Chư Păh chỉ đạo các đơn vị giám sát, không để doanh nghiệp lợi dụng giấy phép của Bộ Công thương để khai thác, vận chuyển trái khoáng sản.
Trả lời kiến nghị của Công an tỉnh Gia Lai liên quan hoạt động khai thác cát tại lòng hồ thủy điện Ia Ly của các doanh nghiệp được Bộ Công thương cấp phép, ông Phạm Minh Trung, Giám đốc Sở TN&MT, cho rằng: “Việc nạo vét cát, sạn sỏi xây dựng trong lòng hồ thủy điện Ia Ly theo giấy phép của Bộ Công Thương không thuộc thẩm quyền quản lý của Sở TN&MT”.
Vấn đề này, sở đã có văn bản đề nghị Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) và Cục Khoáng sản Việt Nam (Bộ TN&MT) hướng dẫn. Trong đó, Cục Khoáng sản Việt Nam nêu rõ: “Để thực hiện việc khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng thì công ty phải được cơ quan có thẩm quyền tại địa phương cấp giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản. Việc hướng dẫn về trình tự thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản thuộc chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của Bộ TN&MT”.
Do đó, Sở TN&MT không có bất kỳ văn bản nào cho phép các doanh nghiệp nêu trên được phép khai thác khoáng sản trong lòng hồ thủy điện Ia Ly.
Theo ông Trung, để tránh việc lợi dụng nạo vét để khai thác khoáng sản trái phép, gây thất thu ngân sách, Sở TN&MT đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Chư Păh tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hành vi khai thác khoáng sản trái phép, nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng việc nạo vét để khai thác cát trái phép tại lòng hồ Ia Ly.
Mới đây, ngày 20-11, Công ty TNHH MTV Nhất Quý Gia Lai và Công ty TNHH MTV Khang Minh Đạt đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Gia Lai cho chủ trương lập thủ tục xin cấp phép khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng tại khu vực lòng hồ thủy điện Ia Ly.