ĐBSCL sạt lở vì khai thác cát, Bộ trưởng TN&MT nói gì?

(PLO)- Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh cho hay đã phân cấp toàn bộ việc khai thác cát tại ĐBSCL cho các địa phương và đề nghị các tỉnh thành tăng cường kiểm tra, giám sát việc khai thác cát lậu.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 7-11, Quốc hội (QH) tiếp tục phiên chất vấn các Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực kinh tế ngành. Tại đây, đại biểu (ĐB) Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu hiện trạng khai thác cát gây sạt lở bờ sông ở nhiều nơi đang diễn ra rất nghiêm trọng, nhất là ở khu vực ĐBSCL.

Theo ĐB Hoà, tới đây việc khai thác cát tại ĐBSCL để làm đường cao tốc nếu không được kiểm soát, đánh giá tác động môi trường kỹ thì có thể khiến tình trạng sạt lở, sụt lún ở bờ sông càng thêm trầm trọng.

pham-van-hoa.jpeg
ĐBQH Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp).

ĐB cho hay hiện nhiều tỉnh như Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long đã bàn giao mỏ cát về cho chủ đầu tư để chuẩn bị khai thác phục vụ xây dựng cao tốc trên địa bàn.

“Khu vực ĐBSCL cát rất hiếm mà xây dựng đường cao tốc sử dụng tới 54 triệu m3, như vậy là quá lớn. Do vậy, cần có giải pháp quản lý và hạn chế khai thác cát để giảm tình trạng sạt lở bờ sông” - ĐB Hoà nói.

ĐBSCL sạt lở vì khai thác cát, Bộ trưởng TN&MT nói gì?
Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng TN&MT Trần Quốc Khánh cho biết lượng cát về sông Tiền, sông Hậu của vùng ĐBSCL chỉ bằng 30% so với 20 năm trước.

“Nguyên nhân là do thượng nguồn các con sông này xây các đập nước. Ngoài ra còn do tình trạng khai thác cát xây dựng trái phép” - ông Khánh nói,

Theo Bộ trưởng TN&MT, hiện việc khai thác cát ở ĐBSCL đã được phân cấp cho địa phương. Sắp tới Bộ sẽ đánh giá toàn bộ hệ thống trữ lượng cát của ĐBSCL, đồng thời hỗ trợ các địa phương kiểm tra, giám sát.

Đồng thời, ông Khánh cũng đề nghị các địa phương đánh giá tổng thể, không để khai thác cát lậu ở các dòng sông, gây ảnh hưởng rất lớn đến sạt lở bờ sông.

Trả lời chất vấn của ĐBQH về vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt, Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh cho hay năm 2022 tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên toàn quốc có 67.110 tấn/ngày, trong đó các đô thị là 36.870 tấn, còn khu vực nông thôn là 29.455 tấn.

Đến nay, đa phần lượng rác thải sinh hoạt được xử lý bằng biện pháp chôn lấp, còn khoảng 16% tổng số rác thải được các nhà máy chế biến rác xử lý, đốt rác phát điện…

Nguyên nhân tỉ lệ xử lý rác thải sinh hoạt thấp là do công tác xã hội hóa xây dựng các nhà máy xử lý rác đốt phát điện và phân loại, xử lý rác tại các nhà máy đang còn nhiều khó khăn.

“Lý do là chúng ta chưa có phân loại rác tại nguồn, chưa làm được triệt để, chưa triển khai làm. Thứ nữa, các địa phương đủ lượng rác để cho xây dựng các nhà máy cần công suất và lượng rác lớn để xử lý tập trung” - ông Khánh cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm