Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh: Xử lý ô nhiễm dòng sông cần nguồn lực lớn, thời gian dài

(PLO)- Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh cho hay để xử lý ô nhiễm môi trường ở các dòng sông cần nguồn lực lớn, thời gian dài...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 6-11, Quốc hội (QH) tiến hành chất vấn nhóm nội dung kinh tế ngành, liên quan trách nhiệm trả lời của năm bộ gồm Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải và Xây dựng.

Kênh Bắc Hưng Hải, sông Cầu ô nhiễm trầm trọng

Mở đầu nội dung chất vấn này, nhiều đại biểu (ĐB) đặc biệt quan tâm đến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng ở hàng loạt con sông. Đây cũng là vấn đề được cử tri nhiều lần phản ánh, QH chất vấn nhiều lần nhưng chưa có giải pháp rốt ráo.

ĐB Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Long An) nêu Nghị quyết 499 của Ủy ban Thường vụ QH khóa XV có yêu cầu cơ chế, chính sách phù hợp để giải quyết ô nhiễm môi trường của hệ thống Bắc Hưng Hải. Tuy nhiên, qua giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho thấy tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở hệ thống Bắc Hưng Hải chưa được giải quyết triệt để, còn gặp nhiều khó khăn.

nguyen-tuan-anh.jpeg
ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh (Long An)

“Đề nghị Bộ trưởng TN&MT cho biết chính sách nào mà Bộ đã ban hành hoặc tham mưu ban hành và giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng này ở hệ thống Bắc Hưng Hải” - ĐB nêu câu hỏi.

Cùng chủ đề này, ĐB Đỗ Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang) cho hay nhiều năm qua, tình trạng nguồn nước sông Cầu bị ô nhiễm rất nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân một số huyện ở Bắc Giang và Bắc Ninh.

do-thi-viet-ha.jpeg
ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang).

Theo ĐB Hà, tại kỳ họp 6, QH khoá XIV, ĐBQH của tỉnh cũng đã từng chất vấn tư lệnh ngành TN&MT về vấn đề này nhưng đến nay tình trạng nêu trên vẫn chưa được xử lý triệt để

“Vì sao nhiều năm qua tình trạng này vẫn chưa được giải quyết? Bộ có những giải pháp nào để thời gian sớm nhất giải quyết được dứt điểm tình trạng này?” - ĐB Hà đặt câu hỏi.

Xử lý ô nhiễm cần nhiều thời gian và nguồn lực

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh cho hay hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải được khởi công từ năm 1958 và nhiều năm qua có vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển nông nghiệp của các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ.

“Vừa qua Bộ cũng phối hợp kiểm tra tình trạng ô nhiễm hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải. Có thể nói, ban đầu hệ thống thuỷ lợi này làm nhiệm vụ tưới tiêu nhưng giờ phải gánh thêm nhiệm vụ chứa nước thải cho một phần Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên” - ông Khánh nói.

Bộ trưởng TN&MT cho biết trung bình một ngày hệ thống kênh Bắc Hưng Hải phải gánh chịu 450 - 500 nghìn m3 nước thải xả ra từ các địa phương trên, trong đó nhận xả thải từ Hà Nội (Long Biên và Gia Lâm) là khoảng 260.000 m3 nước thải.

Có hai nguồn xả thải chính vào hệ thống Bắc Hưng Hải gồm xả thải từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, xả thải từ khu đô thị và dân cư.

dang-quoc-khanh.jpeg
Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh

“Do chưa có hệ thống xử lý nước thải riêng nên nước thải từ khu dân cư hiện đang xả thẳng vào hệ thống kênh thuỷ lợi Bắc Hưng Hải” - ông Khánh nói và cho biết vừa qua đã triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại địa bàn Hà Nội nhưng đến nay chưa xây dựng xong.

Ông Khánh nói mới đây Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã tổ chức họp và yêu cầu giải pháp xử lý ô nhiễm tại hệ thống Bắc Hưng Hải cũng như các sông ngòi khác. Bộ TN&MT đã phối hợp với Bộ Công an kiểm tra, xử phạt nhiều doanh nghiệp xả thải vi phạm.

Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cũng phối hợp với các địa phương xây dựng hệ thống quan trắc tự động. Đề nghị các địa phương dành nguồn lực xử lý nước thải sinh hoạt.

“Như Hưng Yên đang triển khai nội dung này khá tốt. Tỉnh này đang triển khai thu gom nước thải sinh hoạt ở từng xã, từng khu dân cư. Tuy nhiên việc này cần rất nhiều nguồn lực, chưa kể xây dựng nhà máy xử lý nước thải xong còn phải có chi phí vận hành nữa” - ông Khánh nói.

Bộ trưởng TN&MT cũng thừa nhận tình trạng ô nhiễm cũng diễn ra tương tự tại khu vực sông Cầu chảy qua địa phận tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. “Để xử lý dứt điểm vấn đề ô nhiễm trên sông ngòi, kênh rạch này, đề xuất cần phải có chương trình xử lý tầm quy mô quốc gia. Thứ 2, kêu gọi các doanh nghiệp tập trung xử lý rác thải, nước thải trước khi xả thải ra môi trường. Những tổ chức, cá nhân xả thải nhiều cần phải có trách nhiệm với cộng đồng hơn” - ông Khánh nói.

Cùng với đó, ông Khánh cũng nhấn mạnh giải pháp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tập trung quan trắc môi trường và kịp thời kiểm tra, giám sát.

“Để xử lý vấn đề ô nhiễm ở lưu vực sông cần thời gian dài, nguồn lực lớn. Ví dụ cần phải có quy hoạch để gom các làng nghề quanh sông cầu để thu gom nguồn thải, xử lý tập trung trước khi thải ra môi trường. Để làm điều này cần nguồn lực rất lớn” - ông Khánh nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm