Ngày 16-12, một nguồn tin xác nhận Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai vừa có văn bản truyền đạt kết luận của lãnh đạo UBND tỉnh về quản lý hoạt động nạo vét, khai thác khoáng sản khu vực lòng hồ thuỷ điện Ia Ly.
Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp Công an tỉnh, các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát căn cứ pháp lý các giấy phép nạo vét lòng hồ thủy điện Ia Ly do Bộ Công Thương cấp. Đồng thời, xác định có hoặc không có cơ sở đình chỉ các giấy phép này, để kiến nghị Bộ Công Thương xử lý.
UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu rà soát lại hồ sơ hoạt động nạo vét, vận chuyển sản phẩm sau nạo vét. Việc này nhằm làm cơ sở để các cơ quan chức năng của địa phương kiểm tra, xử lý hành chính theo thẩm quyền.
Trước đó, hồi cuối tháng 11-2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cùng đoàn công tác đến kiểm tra thực tế việc quản lý hoạt động nạo vét, khai thác khoáng sản khu vực lòng hồ thuỷ điện Ia Ly.
Đoàn công tác nhận thấy sản phẩm sau nạo vét tại các bãi tập kết là cát, một số bãi có đường giao thông đến nơi; việc kiểm soát, quản lý các tổ chức, cá nhân có khả năng kinh doanh sản phẩm sau nạo vét còn khó khăn.
Từ đó, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu Sở Công Thương chủ trì kiểm tra, rà soát căn cứ pháp lý liên quan đến giấy phép nạo vét lòng hồ thủy điện Ia Ly do Bộ Công Thương cấp, các hoạt động nạo vét, vận chuyển sản phẩm sau nạo vét.
UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND huyện Chư Păh chỉ đạo các đơn vị có giải pháp quản lý; kịp thời báo cáo, đề xuất cơ quan thẩm quyền xử lý các khó khăn vướng mắc liên quan.
Liên quan các giấy phép này, ngày 28-11, UBND tỉnh Gia Lai có công văn đề nghị Bộ Công Thương, Bộ TN&MT hướng dẫn thực hiện các bước tiếp theo và đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể.
Theo UBND tỉnh Gia Lai, tại khu vực lòng hồ thủy điện Ia Ly, Bộ Công Thương đã cấp phép nạo vét cho năm đơn vị. Đó là Công ty CP Khoáng sản Cao Nguyên Gia Lai, Công ty TNHH MTV Nhất Quý Gia Lai, Công ty TNHH Khang Minh Đạt, Công ty TNHH Nguyên Hưng, Công ty TNHH BSO Tùng.
Thủy điện Ia Ly thuộc loại đập, hồ chứa nước quan trọng đặc biệt theo quy định của Chính phủ. Phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi được quy định là khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản tại Điều 28 Luật Khoáng sản. Đây cũng là khu vực cấm hoạt động khoáng sản liên quan đến hành lang an toàn công trình thuỷ điện theo quyết định của UBND tỉnh Gia Lai.
Khó xử lý vì có giấy phép cua Bộ Công Thương
Vừa qua, lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai liên tục phát hiện, lập biên bản, bắt giữ nhiều tàu vỏ sắt hoạt động khai thác trên khu lòng hồ thủy điện Ia Ly. Tuy nhiên, quá trình xử lý gặp nhiều vướng mắc do các doanh nghiệp này có giấy phép nạo vét do Bộ Công Thương cấp.
Để có cơ sở xử lý, giám sát hoạt động này, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Gia Lai có văn bản đề nghị các sở, cơ quan chức năng liên quan báo cáo hoạt động khai thác cát của các doanh nghiệp trên do Bộ Công Thương cấp phép có phải là khai thác khoáng sản trái phép không? Nếu không thì vi phạm ở mức nào?
Phòng Cảnh sát Kinh tế cũng đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai làm rõ các vấn đề liên quan hoạt động khai thác cát trên khu vực lòng hồ thủy điện Ia Ly. Qua đó để có cơ sở xử lý, tránh hoạt động khai thác cát ảnh hưởng an toàn hồ chứa thủy điện và tránh gây thất thoát ngân sách do khai thác trái phép.
Trả lời kiến nghị của Công an tỉnh Gia Lai, Sở TN&MT cho rằng việc nạo vét cát, sạn sỏi xây dựng trong lòng hồ thủy điện Ia Ly theo giấy phép của Bộ Công Thương không thuộc thẩm quyền quản lý của Sở TN&MT.
Do đó, Sở TN&MT không có bất kỳ văn bản nào cho phép các doanh nghiệp nêu trên được phép khai thác khoáng sản trong lòng hồ thủy điện Ia Ly.