Sau chuyến khảo sát mới đây, chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đánh giá tình hình sạt lở bờ sông tại huyện Ia Pa đang diễn ra hết sức nghiêm trọng. Tình hình yêu cầu phải triển khai gấp các giải pháp khắc phục nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân, các công trình hạ tầng tại địa phương.
Hiện UBND tỉnh Gia Lai đang xem xét công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai sạt lở bờ sông.
Dân thấp thỏm lo sông "nuốt" đất, mất nhà
Theo ông Huỳnh Văn Trường, Chủ tịch UBND huyện Ia Pa, địa phương này hiện có 19 điểm sạt lở với tổng chiều dài bị ảnh hưởng hơn 16km. Mỗi năm, có đến khoảng 23.600 m2 đất sản xuất, đất ở của người dân bị nhấn chìm.
Có ba khu vực sạt lở đặc biệt nghiêm trọng là trạm bơm điện Chư Răng 2 ở suối Đăk Pi Hao, xã Chư Răng với hơn 1.200m; khu vực thôn Quý Đức bờ sông Ayun, xã Ia Trok với hơn 1.500m; khu vực cầu Ia Kdăm thuộc sông Ba, qua xã Ia Kdăm với hơn 1.000m.
Tại các khu vực trên, có rất nhiều công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi quan trọng; quốc lộ Trường Sơn Đông, đất đai, tài sản của hàng trăm hộ dân. Chủ tịch UBND huyện Ia Pa nói nếu xảy ra sự cố nghiêm trọng sẽ có một vùng rộng lớn bị tác động, thậm chí bị cô lập.
Tại khu vực trạm bơm Chư Răng 2 ở xã Chư Răng, nhiều vị trí sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến quốc lộ Đông Trường Sơn; trạm bơm nước tưới cho 150 ha lúa nước và 17 nhà dân.
Với khu vực sông AYun hợp lưu với sông Ba ở thôn Quý Đức, xã Ia Trok, đoạn sạt lở đã kéo dài hơn 1.500 m, khoảng 10 ha bị mất và đang ảnh hưởng trực tiếp đến đường điện trung thế 35 Kv.
Bà Đặng Thị Ánh (ngụ thôn Quý Đức, xã Ia Trok) phản ánh: “Tôi thấy sạt lở ngày càng nghiêm trọng, đất ngày càng mất dần. Người dân đã nhiều lần kiến nghị chính quyền sớm có giải pháp hỗ trợ cho người dân."
Chung nỗi lo, ông Nguyễn Xuân Hòa (thôn Quý Đức) bày tỏ: “Tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra gần 20 năm nay. Cứ mỗi mùa mưa lũ, bờ sông bị sạt lở đất cả ngày lẫn đêm, xâm lấn đến sát các căn nhà, “nuốt” luôn đất sản xuất. Nhiều gia đình có nhà gần bờ sông luôn phải sống trong lo âu."
Tình hình rất cấp bách
Trước tình hình cấp bách, đầu năm 2024, UBND huyện Ia Pa đề xuất UBND tỉnh Gia Lai đã xem xét, quyết định tình huống khẩn cấp về thiên tai sạt lở bờ sông, suối trên địa bàn huyện này.
Tỉnh Gia Lai đã tổ chức nhiều cuộc họp để bàn phương án khắc phục sự cố thiên tai.
Theo ông Vũ Ngọc An, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, chuyến khảo sát trên của chủ tịch UBND tỉnh nhằm xem xét quyết định công bố tình huống khẩn cấp thiên tai; đồng thời triển khai các biện pháp khắc phục.
“Tình trạng sạt lở bờ sông, suối ở huyện Ia Pa rất cấp bách, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều cơ sở hạ tầng như đường điện, trạm bơm, đường quốc lộ, đất đai, hoa màu, tính mạng của người dân trong vùng”- ông An nói.
Theo ông Trương Hải Long, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, người dân huyện Ia Pa nhiều lần kiến nghị chính quyền các cấp đầu tư xây dựng các công trình kè để bảo vệ nhà, đất ở, đất sản xuất của người dân.
Trước mắt, chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Ia Pa có phương án đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân, nhất là khi mùa mưa, bão sắp đến.
UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp các cơ quan cức năng liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh triển khai các giải pháp mang tính căn cơ, bền vững để ngăn ngừa, khắc phục tình trạng sạt lở tại các khu vực trên địa bàn huyện Ia Pa, đảm bảo ổn định lâu dài.