Theo phản ánh của người dân xã Chư Rcăm (huyện Krông Pa, Gia Lai), đoạn sông Ba hiện nay so với hơn 10 năm trước khác rất nhiều. Nhiều đoạn sông đã bắt đầu phình to ra, nhiều diện tích hoa màu của dân đã bị cuốn trôi. Một số diện tích hoa màu của dân còn đang xanh tốt nhưng phía dưới sông đã sạt hỏng phần chân bờ.
Đất mất dần từng năm
Có mặt trên đoạn sông Ba, đoạn qua buôn Hlang (xã Chư Rcăm), ông Rơ Lan Kem buồn rầu nói: “Gia đình tôi có 1,8 ha mì nằm sát bờ sông nhưng nay chỉ còn vài sào. Sau mỗi mùa mưa đi qua, đất trồng hoa màu của tôi bị mất dần. Đất sạt lở bị cuốn xuống sông, chúng tôi thấy quá xót nhưng không ngăn được”
Còn chị Ksor Hen (buôn H’Lang) cho hay: “Không chỉ đất đai bị cuốn trôi, khi mùa mưa to đến, nước sông dâng rất cao đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của gia đình. Đất của gia đình trước đây rất rộng, nay còn khoảng sáu sào. Vừa qua, hơn trăm hộ dân vùng ven sông Ba được huyện di dời, tái định cư nơi ở mới, bà con rất mừng”.
Bị thiệt hại khá nặng là gia đình ông Rơ Chăm Bia (buôn H’Lang, xã Chư Rcăm), ông mất gần hai ha đất sản xuất. Ông mong muốn chính quyền có phương án hỗ trợ về đất đai để ông và nhiều hộ dân bị thiệt hại nặng có đất sản xuất, ổn định cuộc sống.
Đất dọc sông Ba bị xâm lấn nghiêm trọng. Ảnh: LK. |
Ông Hà Văn Đường, Chủ tịch UBND xã Chư Rcăm (Kroong Pa, Gia Lai), cho biết, cứ sau mỗi mùa mưa lũ, bờ sông Ba qua địa phương lại sạt lở thêm rất nhiều, ảnh hưởng trực tiếp đến hoa màu và đất sản xuất của dân. Đến nay, trên địa bàn xã có khoảng 100 ha đất trồng mì và thuốc lá dọc theo sông Ba bị sạt lở, mất trắng.
Theo ông Đường, từ năm 2009 đến nay, dòng sông Ba xâm thực rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng trăm hộ dân trên địa bàn. Vừa qua, huyện cũng đã tổ chức di dời 102 hộ dân tại buôn H'Lang sống dọc bờ sông có nguy cơ sạt lở lên vùng an toàn.
Diện tích hoa màu của ông Rơ Lan Kem bị sông Ba cuốn, mất dần từng năm. Ảnh: LK. |
Thiếu nguồn lực để khắc phục, ngăn sạt lở
Theo thống kê, huyện Krông Pa (Gia Lai), sông Ba chảy qua địa bàn có chiều dài 45 km, tình hình sạt lở bờ sông đã ảnh hưởng đến 12 xã, thị trấn. Các xã bị ảnh hưởng nặng nề là Chư Rcăm, Ia Rsươm, Ia Rsai, Chư Gu…
Trao đổi với PLO, ông Võ Ngọc Châu, Phó phụ trách Phòng NN&PTNT huyện Krông Pa, cho biết đến nay vẫn chưa thống kê hết diện tích đất nông nghiệp bị thiệt hại, bởi cứ mùa mưa đến là diện tích đất bị sạt lở lại tăng thêm. Để hạn chế nguy cơ ảnh hưởng tính mạng, tài sản của dân, huyện cũng có tờ trình gửi lên tỉnh xin di dời tái định cư cho dân vùng sạt lở.
Thời gian qua, huyện đã tiến hành di dời 102 hộ dân ở vùng sạt lở nguy hiểm xã Chư Rcăm đến nơi an toàn; làm bờ kè chống sạt lở mố cầu Lệ Bắc tám tỉ đồng… Hiện, mố cầu treo Ia Rsai sạt lở cũng được tỉnh đồng ý cấp ba tỉ đồng khắc phục.
Người dân bất lực nhìn đất đai bị mất dần do sạt lở. Ảnh: LK. |
“Để hạn chế thiệt hại kéo dài, huyện đã đề xuất nhiều phương án xây dựng bờ kè dọc bờ kè sông Ba, nhưng do thiếu kinh phí nên chỉ triển khai làm những vị trí xung yếu. Trước mắt, huyện khuyến cáo người dân có đất canh tác cạnh bờ sông trồng những cây ngắn ngày. Đồng thời có những giải pháp quyết liệt di dời dân đến vùng an toàn”, ông Châu cho hay.
Đối với vấn đề này, ông Hồ Văn Thảo, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, cho biết hàng năm tình trạng sạt lở bờ sông Ba vẫn liên tục diễn ra, gây thiệt hại rất nhiều đất sản xuất của dân và uy hiếp nhiều hộ dân sống dọc bờ sông. Hiện tại vẫn chưa có phương án hữu hiệu để ngăn chặn được.
"Đặc điểm bờ sông Ba có những điểm sạt lở rất cao, nếu làm kè để chống sạt lở cho cả đoạn sông thì cần nguồn kinh phí rất lớn trong khi ngân sách của địa phương hạn hẹp. Trước mắt, huyện sẽ tập trung xử lý, khắc phục những điểm xung yếu có nguy cơ ảnh hưởng đến tài sản nhà nước và nhà cửa, công trình của dân”, ông Thảo chia sẻ.
Năm 2022, trước tình hình sạt lở bờ sông diễn ra nghiêm trọng, UBND tỉnh Gia Lai ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ suối đến năm 2030 xảy ra trên ba con sông lớn, gồm: Sông Ba, sông Sê San và lưu vực sông Srêpôk qua địa bàn 17 huyện, thị xã. Trong đó, dự án kè chống sạt lở tại các khu vực đặc biệt nguy hiểm cần xử lý cấp bách là 16 dự án, với kinh phí hơn 2.100 tỉ đồng.