Đắk Lắk loay hoay tìm nguyên nhân sạt lở bờ sông Krông Nô

(PLO)- Người dân ở Đắk Lắk cho rằng sông Krông Nô bị sạt lở là do thủy điện trong khi chính quyền chưa xác định nguyên nhân.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 20-12, một lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết tỉnh đã giao UBND huyện Lắk xác định vị trí, diện tích đất bị sạt lở ven sông Krông Nô để giải quyết khiếu nại của người dân xã Ea R’bin.

Trước đó, nhiều người dân xã Ea R’bin gửi đơn đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo giải quyết dứt điểm việc bồi thường thiệt hại cho những gia đình có đất, hoa màu bị sạt lở dọc sông Krông Nô.

Đất sản xuất của người dân bị nhấn chìm

Ghi nhận của PV cho thấy tình trạng sạt lở ven sông Krông Nô đoạn qua xã Ea R’bin rất nghiêm trọng. Dọc bờ sông, nhiều vườn cà phê, ruộng khoai, bắp nằm cheo leo bên các mỏm đất đã nứt toác chực chờ đổ sụp xuống sông.

Theo phản ánh của nhiều người dân ở xã Ea R’bin, từ năm 2020 đến nay, hơn 15 ha đất nông nghiệp của 37 hộ dân ven sông Krông Nô đoạn qua xã Ea R’bin bị nhấn chìm do sạt lở. Diện tích sạt lở này đã được Công ty Thủy điện Buôn Kuốp phối hợp chính quyền địa phương cắm mốc, khoanh vùng năm 2021. Đến nay, phần lớn diện tích được cắm mốc, khoanh vùng đã bị sạt xuống sông nhưng người dân chưa được đền bù.

sat-lo-1-3654-1886.jpg
Sông Krông Nô đoạn qua xã Ea R'bin đang sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: TIẾN THOẠI

Theo ông Trương Văn Tỏ, tổ trưởng tổ tự quản số 3, buôn Plao Siêng, xã Ea R’bin, tình trạng sạt lở sông Krông Nô đang diễn ra rất nghiêm trọng. Từ năm 2020 đến nay nhiều hộ có đất sản xuất ven bờ sông đã bị thiệt hại nặng nề. Trong đó, có nhiều gia đình bị mất toàn bộ đất sản xuất.

Gia đình ông Hoàng Văn Trọng, tổ trưởng tổ tự quản số 2, buôn Plao Siêng, bị sạt lở gần 1,2 ha đất. “Năm ngoái, gia đình tôi còn vài trăm gốc cà phê. Năm nay hầu hết cà phê đã bị sạt hết xuống sông, thiệt hại rất lớn. Có đợt khoai lang chuẩn bị thu hoạch thì bị sạt lở gần hết”- ông Trọng phản ánh.

Bị mất đất sản xuất nhưng chưa được bồi thường, 37 hộ dân có đất bị sạt lở đồng thời kiến nghị chính quyền, các cơ quan chức năng liên quan giải quyết bồi thường.

sat-lo-4-6152-5050.jpg
Những vết nứt lớn trên đất sản xuất của người dân. Ảnh: TIẾN THOẠI

Ông Tỏ nói: “Chính quyền xã đối thoại, huyện chuyển đơn, tỉnh xuống kiểm tra nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết. Công ty thủy điện thì yêu cầu phải xác định rõ nguyên nhân sạt lở. Đã ba năm trôi qua, người dân chưa được đền bù trong khi đất cứ mất dần”.

Ông Tỏ cũng như nhiều người dân có đất bị sạt lở dọc sông Krông Nô đều cho rằng nguyên nhân gây sạt lở do Công ty Thủy điện Buôn Kuốp vận hành, xả nước.

Chưa phân định rõ trách nhiệm

Theo các báo cáo của Công ty Thủy điện Buôn Kuốp, hiện tình hình sạt lở dọc sông Krông Nô qua địa bàn huyện Lắk có diễn biến ngày càng nghiêm trọng, tốc độ sạt lở nhanh, gây bức xúc đối với người dân.

Tháng 4-2023, UBND xã Ea R’bin phối hợp Công ty Thủy điện Buôn Kuốp tổ chức đối thoại với 37 hộ dân bị mất đất sản xuất do sạt lở.

Công ty Thủy điện Buôn Kuốp cho rằng, ngoài vận hành của thủy điện, tình trạng sạt lở dọc sông còn có nhiều nguyên nhân khác như địa chất, địa hình, dòng chảy của sông và cả hoạt động khai thác cát.

sat-lo-3-6362-2684.jpg
Nhiều cây trồng của người dân sạt xuống sông Krông Nô. Ảnh: TIẾN THOẠI

Công ty Thủy điện Buôn Kuốp kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk giao các cơ quan chức năng đánh giá tác động gây sạt lở, phân định rõ trách nhiệm để các bên liên quan phối hợp giải quyết.

Theo ông Trần Văn Khánh, Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp, trước năm 2020, công ty này đã thực hiện sáu đợt đền bù, chi trả hơn 33 tỉ đồng để bồi thường, hỗ trợ người dân bị mất đất do sạt lở sông Krông Nô ở huyện Lắk.

Trong đợt thứ bảy này, diện tích sạt lở lớn, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp ước tính phải chi khoảng 27 tỉ đồng để bồi thường. Tuy nhiên, công ty này đề nghị phân định rõ trách nhiệm, làm kỹ hồ sơ để có căn cứ bồi thường, hỗ trợ cho người dân.

“Chúng tôi có văn bản đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo phân định rõ trách nhiệm. Chúng tôi đã phối hợp làm sẵn các thủ tục khác như đo đạc, kiểm kê; khi có phương án thì triển khai hỗ trợ cho bà con”- ông Khánh nói.

Theo lãnh đạo UBND huyện Lắk, do tình hình sạt lở phức tạp, gần đây xuất hiện thêm những điểm sạt lở mới nên UBND tỉnh đã chỉ đạo huyện thực hiện đo đạc, lập hồ sơ, xác định diện tích, vị trí, số hộ bị ảnh hưởng để báo cáo UBND tỉnh. Hiện huyện Lắk đang hoàn thiện để báo cáo UBND tỉnh.

sat-lo-2-187-9466.jpg
Tình hình sạt lở đất dọc sông Krông Nô tại xã Ea R'bin ngày càng nghiêm trọng, phức tạp. Ảnh: TIẾN THOẠI

Trao đổi với PLO, một lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết tỉnh đã tổ chức đoàn khảo sát tình hình sạt lở sông Krông Nô đoạn qua xã Ea R’bin hồi cuối tháng 11-2023. Sau khi khảo sát, các cơ quan chức năng nhận định có nhiều nguyên nhân dẫn đến sạt lở dọc bờ sông, không thể “bắt lỗi” chỉ một mình thủy điện.

“Hút cát, hoạt động của thủy điện, biến đổi dòng chảy, địa hình, địa chất…đều có thể ảnh hưởng tới việc sạt lở đất. Việc giám định, quan trắc môi trường, làm rõ nguyên nhân sẽ tốn thêm rất nhiều thời gian. Tỉnh sẽ tổ chức cuộc họp giữa các bên để giải quyết, đưa ra phương án hỗ trợ người dân"- vị lãnh đạo UBND tỉnh thông tin.

Theo UBND xã Ea R'bin, ngoài 15 ha đất nông nghiệp bị mất do sạt lở, đầu tháng 12-2023, 10 gia đình ở địa phương này gửi đơn phản ánh tình trạng sạt lở dọc bờ sông Krông Nô đang đe dọa đến các khu dân cư. Hiện UBND xã Ea R'bin đang đề nghị cơ quan thẩm quyền cấp kinh phí để gia cố bờ sông, bảo vệ khu dân cư.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm