Gần đây liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở trên khắp cả nước, gây mất an toàn tính mạng, tài sản của người dân cũng như thiệt hại nặng nề về kinh tế tại nơi xảy ra sạt lở. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (KHĐC&KS) Việt Nam, nhấn mạnh những vụ sạt lở đất liên tiếp xảy ra trong thời gian qua là lời cảnh báo của thiên nhiên đối với hoạt động kinh tế quá độ của con người…
Sự can thiệp thô bạo của con người vào thiên nhiên
. Phóng viên: Thưa ông, mới đây các vụ sạt lở đất đá gây hậu quả rất nặng nề. Nguyên nhân nào khiến các thảm họa này xảy ra dồn dập như vậy?
|
TS Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam |
+ TS Trịnh Xuân Hòa: Những nơi xảy ra các vụ sạt lở gây hậu quả nghiêm trọng thời gian qua trên địa bàn nước ta đều có mưa lớn, diễn ra nhiều ngày. Đây chính là yếu tố đầu tiên kích hoạt sạt lở đất. Mưa lớn kéo dài khiến đất đá ngậm nước bão hòa gây ra lũ quét và sạt lở đất, nhất là ở khu vực địa hình đồi núi dốc, lớp đất đá bề mặt có độ liên kết yếu. Như sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) xảy ra mới đây cũng do yếu tố mưa lớn kéo dài kích hoạt. Mưa lớn kéo dài trên nền địa chất bị phong hóa, làm yếu các liên kết, dẫn đến trượt lở.
Ngoài yếu tố thời tiết, cấu tạo lớp vỏ địa chất, biến động bề mặt… thì tôi cho rằng sự tác động quá độ của con người vào tự nhiên là nguyên do dẫn đến những thảm họa này xảy ra liên tiếp. Không gian sống của con người mở rộng khiến diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp.
Rừng trồng và rừng tái sinh hiện nay không có khả năng giữ nước như rừng tự nhiên, khiến liên kết đất yếu và dễ xảy ra sạt trượt đất đá nếu mưa lớn nhiều ngày. Chưa nói đến ở nhiều nơi người ta chặt cây, phá núi mở đường, xây dựng những công trình, đường sá trong rừng đã thúc đẩy quá trình tai biến địa chất, làm tăng nguy cơ sạt lở.
Những vụ sạt lở đất liên tiếp xảy ra thời gian qua chính là lời cảnh báo cho thấy con người cần phải lắng nghe, chung sống hài hòa với thiên nhiên. Đây là vấn đề sống còn, đòi hỏi Nhà nước và mỗi người dân phải vào cuộc…
|
Con đường bị sạt lở đất vùi lấp nhiều ô tô ở xóm Ban Tiện (Sóc Sơn, Hà Nội) xung quanh có nhiều biệt thự, homestay trên đất trồng rừng. Ảnh: TP |
Những vụ việc đáng báo động
. Vụ sạt lở vùi lấp hàng chục xe sang ở thôn Ban Tiện, Minh Phú (Sóc Sơn) mới đây lộ ra nhiều homestay, biệt thự mới xây dựng trong đất rừng Sóc Sơn. Ông có nhận định và khuyến cáo gì?
+ Vụ sạt lở ở rừng Sóc Sơn tuy không gây thiệt hại về người nhưng tôi cho rằng là một vụ việc đáng báo động và các cấp quản lý ở địa phương cần lưu ý. Người ta cho xây nhiều công trình biệt thự, homestay, thậm chí mở cả đường bê tông lớn không nằm trong quy hoạch tại khu vực này.
|
Đây là con đường bị sạt lở đất vùi lấp nhiều ô tô ở xóm Ban Tiện (xã Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội), xung quanh mọc lên nhiều biệt thự, homestay trên đất trồng rừng. Ảnh TP |
Trong khi đó rừng Sóc Sơn đa phần là rừng trồng, rừng tái sinh nên độ liên kết ở lớp đất bề mặt rất yếu. Nếu diễn ra hoạt động xây dựng tự phát thì nguy cơ xảy ra sạt trượt, lở đất càng cao, gây nguy hiểm cho tính mạng và tài sản của người dân.
Tại Sóc Sơn khi diễn ra mưa lớn kéo dài ở khu vực này thì dòng bùn đất, đá từ trên núi chảy dồn xuống đường bê tông do người dân tự mở. Tôi cho rằng trường hợp này là lũ bùn đá. Nguyên nhân do xung quanh khu vực không có đường thoát nước, vì vậy bùn đá đã theo dòng chảy cuốn hết vào đường bê tông dốc dựng đứng từ chân núi đến giữa thân núi đó. Điều này rất nguy hiểm, chính quyền địa phương không nên để xảy ra các hoạt động đào bới, xây dựng công trình quy mô lớn tại khu vực này.
. Vậy còn những hiện tượng sụp lún, nứt gãy nghiêm trọng tại Lâm Đồng thì sao, thưa ông?
+ Hơn 10 năm qua, Viện KHĐC&KS Việt Nam thực hiện đề án điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam. Đến nay, xây dựng và thành lập bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá ở 25 tỉnh và bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá ở 15 tỉnh. Riêng khu vực Tây Nguyên lại chưa được điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá, làm cơ sở khoa học để tiến hành cảnh báo ở khu vực này.
|
TS Trịnh Xuân Hoà và bản đồ cảnh báo sạt lở. Ảnh TP |
Mới đây viện đã thành lập một đoàn khảo sát vào hai tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng để điều tra nguyên nhân, đánh giá tác động các vụ sạt lở, sụt lún, nứt đất… để có những kết luận chi tiết và chính xác hơn. Đầu tiên, chúng tôi phải nghiên cứu, rà soát thực địa, hiện trạng xảy ra vụ nứt vỡ, sạt lở, điều kiện địa chất bị biến đổi ra sao, nhất là dự kiến những tác động xấu, xấu hơn nữa sẽ xảy ra tiếp theo…
15.000 điểm từng xảy ra tai biến địa chất
. Đề án triển khai từ năm 2012, đến nay kết quả thế nào, thưa ông?
+ Giai đoạn 1 của đề án được triển khai từ năm 2012, đến nay đang tạm dừng để đánh giá, để chuẩn bị cho giai đoạn 2. Theo kế hoạch ban đầu, đề án sẽ tiến hành công tác nghiên cứu, điều tra hiện trạng và phân nguy cơ xảy ra trượt, sạt lở đất đá cho 37 tỉnh miền núi, trung du của Việt Nam.
Đến năm 2020, chúng tôi đã điều tra, khảo sát địa chất, xác minh được gần 15.000 điểm từng xảy ra các tai biến địa chất, gồm 13.233 điểm sạt lở đất đá; 337 điểm lũ ống, lũ quét; 947 điểm xói lở ở bờ sông, suối, biển; 344 điểm khai thác mỏ sụt lún; 22 điểm sụt lún…
Đến hết năm 2021, đề án này mới chỉ hoàn thành công tác thành lập bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tỉ lệ 1:50.000 cho 25 tỉnh miền núi miền Bắc và miền Trung và công tác thành lập bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tỉ lệ 1:50.000 cho 15 tỉnh miền núi phía Bắc.
Các bản đồ này sau khi hoàn thành đều được chúng tôi bàn giao cho các cơ quan liên quan và địa phương làm công cụ về quy hoạch, phân bố dân cư cũng như phòng, chống thiên tai. Qua đánh giá sơ bộ thì các bản đồ này cũng phần nào đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Đây là cơ sở dữ liệu cho quy hoạch các vùng, các tỉnh, cũng như cảnh báo di dân đối với khu vực nguy hiểm hay xảy ra tình trạng trượt lở đất.
Tuy nhiên, do các bản đồ sạt trượt đã lập mới còn ở tỉ lệ khá thô sơ nên việc nghiên cứu khoanh vùng và đưa ra các phương án phòng, chống tai biến trượt, sạt lở đất đá cho các khu vực cụ thể ở nhiều địa phương còn nhiều hạn chế.
Theo yêu cầu của Chính phủ, giai đoạn tiếp theo cần thiết lập các bản đồ cảnh báo sạt trượt chi tiết hơn ở mức tỉ lệ 1:10.000 để tăng tính chính xác. Tuy nhiên, để xây dựng hệ thống bản đồ cảnh báo sạt lở ở mức độ này cần nguồn nhân lực, vật lực rất lớn để thực hiện được trong điều kiện hiện nay là rất khó khăn.