Ngày 21-12, nhiều người dân sống dưới chân núi Xanh (gần suối Phi Châu) thuộc thôn Phước Lộc, xã Phước Đồng, TP Nha Trang (Khánh Hòa) trở về dọn dẹp những ngôi nhà đổ nát, bị chôn vùi dưới những khối đất đá khổng lồ. Vụ sạt lở núi kinh hoàng rạng sáng 20-12 đã làm bốn người chết, bốn người bị thương, san phẳng hoàn toàn sáu ngôi nhà, năm ngôi nhà khác bị vùi lấp, hư hỏng nặng (Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh).
“Bị lấy mất chân thì núi phải đổ”
Vừa chỉ lên sườn núi rộng cả chục hecta bị lõm sâu vào, ông Trần Xuân Duy (41 tuổi) vừa kể: “Lâu nay bà con sống ở đây đã nơm nớp lo sợ vì một số doanh nghiệp, người dân từ nơi khác đến khai thác đá chẻ, đào lấy đất chở đi san lấp nơi khác. Họ ngày càng khoét sâu vào chân núi, tạo ra nhiều hàm ếch khổng lồ, nhìn thẳng ra các ngôi nhà, bị lấy mất chân như vậy thì núi phải đổ!”.
Nhiều người dân khác cho biết những ngày gần đây, dù trời mưa liên tục nhưng các xe ben vẫn đến lấy đất trong núi chở đi, làm hư hỏng nặng đường sá, người dân phải tự sửa chữa để đi lại.
Ông Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, khẳng định chính khoét núi lấy đá là một phần nguyên nhân khiến núi bị đổ.
Một lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh cho biết thêm tỉnh sẽ yêu cầu UBND TP Nha Trang kiểm tra, báo cáo tình trạng khai thác đất đá gần khu dân cư chân núi Xanh. “Tỉnh sẽ yêu cầu làm rõ doanh nghiệp, cá nhân nào khai thác đất đá trái phép ở khu vực này để xử lý. Nếu để khai thác dẫn đến sạt lở gây thiệt hại nghiêm trọng như vậy thì phải làm rõ trách nhiệm quản lý, xử lý của chính quyền địa phương” - vị lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh nói.
Lực lượng chức năng đang giúp người dân san dọn lại nhà cửa, đất đá sau vụ sạt lở núi kinh hoàng. Ảnh: TL
Bài học xương máu
Người dân sống dưới chân núi Xanh cũng cho rằng địa phương thiếu sự cảnh báo cần thiết trước sự cố. “Cán bộ thôn nói bà con tự tìm chỗ di dời. Thấy tình hình rất nguy hiểm đến tính mạng, chúng tôi muốn đi nơi khác nhưng không có chỗ nào để ở tạm thì biết đi đâu” - anh Trần Mạnh Giàu chia sẻ.
Trao đổi với PV, một lãnh đạo UBND TP Nha Trang nói: “TP chưa thấy xã báo cáo tình hình khu dân cư dưới chân núi Xanh. Nếu xã báo cáo cụ thể, có hiện tượng sạt lở, UBND TP sẽ chỉ đạo kiên quyết để sơ tán dân rồi!”.
Thừa nhận trách nhiệm của UBND xã trong vụ sạt lở này, ông Nguyễn Văn Hưởng, Chủ tịch UBND xã Phước Đồng, nói: “Việc không sơ tán dân có phần mình chưa kiên quyết. Một phần năm nay mưa lũ lớn quá, không ngờ xảy ra hậu quả nặng nề như vậy. Đây cũng là bài học xương máu cho các cấp”.
Động viên, trợ giúp các gia đình bị nạn Chiều 21-12, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đến thăm hỏi, động viên, tặng quà giúp đỡ các gia đình bị nạn trong vụ sạt lở núi ở xã Phước Đồng. Cùng ngày, nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng đến thăm hỏi chia sẻ, trao tiền ủng hộ những người bị nạn. Gần 100 cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 305 cùng lực lượng địa phương giúp người dân tìm kiếm, thu gom tài sản bị chôn lấp. Hầu như toàn bộ tài sản của người dân đều bị vỡ nát, hư hỏng nặng. Dự kiến phải mất ít nhất một tuần mới có thể san dọn hết khối lượng đất đá sạt lở. Hiện tất cả gia đình bị nạn đang được bố trí ở tạm tại nhà văn hóa, trạm y tế xã. |