Đến hơn 18 giờ ngày 20-12, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể bà Phạm Thị Hoa (43 tuổi), nạn nhân cuối cùng trong vụ sạt lở núi Phi Châu thuộc thôn Phước Lộc, xã Phước Đồng, TP Nha Trang (Khánh Hòa), vào 2 giờ sáng cùng ngày. Bà Hoa nằm dưới lớp đất đá dày cùng bê tông nhà cửa bị đổ sập...
Vụ lở núi đã làm bốn người chết, sáu nạn nhân khác bị thương nặng vẫn đang cấp cứu tại bệnh viện.
Không kịp tháo chạy
Cả khu dân cư với 11 ngôi nhà dưới chân núi Phi Châu như vừa trải qua một trận bom dữ dội. Sáu ngôi nhà đã bị san bằng, toàn bộ bê tông đổ nát cùng đồ đạc bị chôn vùi dưới lớp đất đá sâu vài mét. Năm ngôi nhà khác bị đất đá tràn vào nhà phá hỏng tan hoang. Hàng chục người dân với khuôn mặt thất thần, ánh mắt đờ đẫn nhìn toàn bộ nhà cửa, tài sản của mình giờ thành đống đổ nát, bị chôn sâu dưới lớp đất đá khổng lồ.
Chiều cùng ngày, lực lượng cứu hộ cũng tìm thấy thi thể con trai bà Hoa bị kẹt dưới gầm bàn trong nhà, bên trên là lớp đất đá vùi lấp dày hơn 3 m. Cũng trong buổi sáng, hai thi thể nạn nhân khác đã được đưa ra ngoài.
Theo ông Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, suốt một ngày liền, lực lượng cứu hộ với hơn 300 người cùng nhiều máy múc xúc, thiết bị chuyên dụng làm việc hết công suất mới tìm thấy đủ thi thể những người bị nạn. Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đến hiện trường trực tiếp chỉ đạo việc cứu hộ.
Đại tá Nguyễn Đức Quỳnh, Giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh Khánh Hòa, người trực tiếp chỉ huy cứu nạn, cho biết lực lượng cứu nạn đã dùng máy cắt bê tông, khẩn trương xác định vị trí các nạn nhân bị kẹt. “Trong suốt quá trình tìm kiếm, lực lượng cứu hộ quyết tâm bằng mọi cách phải tìm kiếm nhanh nhất để có thể kịp cứu các nạn nhân” - Đại tá Quỳnh cho biết.
Ông Mai Lâm Mưu, trưởng thôn Phước Lộc, thông tin thêm: Trong tai họa này, hai mẹ con bà Hoa đã không kịp tháo chạy. Tối đó chồng bà Hoa đi làm xa, ở nhà chỉ còn hai mẹ con. Ngoài ra, một gia đình khác có bốn người đều bị chôn vùi do không chạy kịp. Bà Cư cùng cháu nội thiệt mạng, con trai và con dâu bị thương nặng.
Chiều 20-12, xã Phước Đồng đã đưa tất cả những người còn lại của khu dân cư trên đến lánh tạm ở trụ sở UBND xã, trạm y tế. Hầu hết người dân ra đi với hai tay không.
Cảnh tan hoang sau vụ sạt lở núi Phi Châu. Ảnh: MINH QUỐC
Người đàn ông tìm kiếm tài sản của gia đình bị chôn vùi trong đống đổ nát. Ảnh: TẤN LỘC
Đã cảnh báo tai nạn từ trước
Ông Đặng Văn Có, có nhà bị hư hỏng nặng, buồn bã kể: “Lâu nay, thỉnh thoảng đá vẫn từ trên đột ngột lăn xuống. Cách đây 4-5 ngày, thấy cây cối trên núi cứ kêu rào rào rồi đất đá đổ tràn xuống các hố sâu, bà con khu dân cư lo sợ báo với thôn. Sau đó, thôn phái người đến kiểm tra. Không ngờ bây giờ sạt lở kinh hoàng như vậy!”. Ông Mai Lâm Mưu, trưởng thôn Phước Lộc, cho biết: “Sau khi nghe bà con báo, tôi đến xem thì thấy có hiện tượng đất đá, cây cối sạt lở nên báo cáo với UBND xã để có biện pháp giải quyết”.
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Chủ tịch UBND xã Phước Đồng, ngày 19-12 UBND xã có đến kiểm tra rồi vận động nhiều gia đình đi sơ tán. Tuy nhiên, vẫn còn một số gia đình ở lại.
“Trước tình hình nguy hiểm, chúng tôi đã cắm biển cảnh báo và yêu cầu người dân sơ tán. Trong 30 người sống dưới chân núi, phần lớn đã sơ tán đến nơi khác, những người bị nạn là những người chưa chịu đi” - ông Hưởng cho biết.
Trả lời câu hỏi “Vì sao chính quyền địa phương không có biện pháp kiên quyết để buộc sơ tán toàn bộ người dân trước tình hình nguy hiểm như vậy?”, ông Hưởng nói: “Chi bộ, ban nhân dân thôn đã đến từng nhà vận động nhưng bà con vẫn chủ quan”.
Còn theo ông Đào Công Thiên, việc nắm tình hình các khu dân cư trước nguy cơ thiên tai cũng thuộc trách nhiệm UBND TP Nha Trang. Một lãnh đạo UBND TP Nha Trang cho biết lâu nay khu dân cư dưới chân núi Phi Châu luôn nằm trong kế hoạch ứng phó mỗi khi có bão lũ.
Ngoài ra, phản ánh với PV, nhiều người dân sống dưới chân núi Phi Châu cho rằng nguyên nhân gây sạt lở núi là do nạn khai thác đá trên núi làm lở đất. Theo trưởng thôn Phước Lộc, lâu nay một số người hay tự tiện lên đào đất để khai thác đá trên núi khiến cây cối đổ tràn xuống. “Bà con cũng nhiều lần yêu cầu chính quyền có biện pháp ngăn chặn việc khai thác đá trên núi vì lo sợ sạt lở” - ông Mưu nói. Trong khi đó, ông Hưởng phủ nhận việc này: “Năm 2012, UBND xã đã xử phạt một số người khai thác đá trên núi. Từ đó đến nay không còn khai thác nữa”.
Chỗ nào cũng có người kêu cứu Vẫn chưa định thần lại được, bà Nguyễn Thị Luyến, người dân trong vùng bị nạn, hoảng hốt kể: “Lúc đó khoảng 2 giờ sáng, cả nhà tôi đang ngủ thì bỗng nghe tiếng ầm ầm liên tiếp như động đất. Tôi vừa ra cửa thì thấy đất đá kéo theo cây cối đổ xuống ào ào, tông thẳng vào nhà. Nhìn sang hàng xóm, thấy ai cũng la hét, kêu cứu, rồi dìu người thân tìm đường chạy. Ai té thì mọi người lôi kéo chạy theo chứ không thì đất đá vùi ngay tức khắc”. Trong lúc hoảng loạn ấy, ông Nguyễn Văn Đệ cùng một số người khác đã cứu được cả bốn thành viên của gia đình ông Nguyễn Ninh Tú. “Đất đá đổ xuống như tiếng bom nổ. Tôi chạy ra thì thấy xung quanh nhà cửa bị vùi lấp hết. Chỗ nào cũng có người kêu cứu. Tôi cùng một số người chạy đến thì nghe tiếng anh Tú kêu cứu yếu ớt. Chúng tôi ra sức đào bới đất đá, đưa được bốn người trong gia đình ra khỏi đống đổ nát” - ông Đệ kể thêm. |