Trong khuôn khổ Diễn đàn ĐBSCL 2019, chiều 17-6, tại hội thảo truyền thông về biến đổi khí hậu (BĐKH) ở ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu nhấn mạnh BĐKH đang là thách thức lớn đối với quá trình phát triển bền vững của Việt Nam.
Bị tác động mạnh từ thủy điện thượng nguồn
Được mệnh danh là một trong những khu vực màu mỡ nhất trên thế giới nhưng ĐBSCL - nơi sinh sống của 20 triệu người Việt, cung cấp một nửa sản lượng lúa, 70% thủy sản, 1/3 GDP cả nước - lại đang đối mặt với nguy cơ xâm nhập mặn, sụt lún, sạt lở đáng báo động. Nhiều chuyên gia cảnh báo nếu không có giải pháp ứng phó, hỗ trợ kịp thời, cuộc sống của người dân sẽ ngày càng nghèo hơn, dễ tổn thương hơn.
Theo báo cáo của Bộ TN&MT, các công trình thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong (ở các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia và Thái Lan) đã tác động mạnh mẽ đến dòng chảy, giảm lượng phù sa, bùn cát đổ về ĐBSCL.
Kết quả “Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong” cho thấy lượng phù sa về ĐBSCL chỉ còn lại khoảng 15 triệu tấn, chưa đến 10% so với điều kiện tự nhiên. Hiện trạng này khiến hiện tượng xâm nhập mặn gia tăng tại hầu hết các vùng ven biển, làm suy giảm nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học và gây bất lợi cho hoạt động giao thông thủy trên toàn tuyến.
Bộ TN&MT chủ trì hội thảo truyền thông về biến đổi khí hậu ở ĐBSCL chiều 17-6. Ảnh: TRỌNG PHÚ
Vụ sạt lở ngày 24-4 tại khu vực Thới Lợi, phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ khiến hơn chục căn nhà bị ảnh hưởng. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Hàng tỉ đồng xử lý các điểm sạt lở
Nhận thức sâu sắc về thực trạng trên, từ ngày 17-11-2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, trong đó đặc biệt coi trọng công tác phòng, chống, khắc phục sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển.
Theo đó, hai năm qua, hệ thống mạng lưới quan trắc, giám sát các yếu tố khí tượng thủy văn, hải văn, biến động bùn cát tại ĐBSCL đã được tăng cường. Ngoài mạng lưới trạm khí tượng thủy văn cơ bản gồm 98 trạm khí tượng, 145 điểm đo mưa, 139 trạm thủy văn, sáu trạm hải văn, khu vực Nam bộ hiện nay đã được đầu tư 154 điểm đo mưa, mực nước tự động, đo mặn.
Theo kế hoạch, chiều 18-6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì hội nghị đánh giá kết quả hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP. Hội nghị lần này nhằm đánh giá được những việc đã làm được, chưa làm được, những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện nghị quyết; xác định nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và hành động của các cấp, ngành, địa phương và người dân vùng ĐBSCL. |
Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH và Chương trình hỗ trợ ứng phó với BĐKH đã hỗ trợ triển khai 28 dự án tại ĐBSCL. Trong đó có tám dự án liên quan đến xây dựng đê biển, đê sông ở những khu vực xung yếu; 20 dự án liên quan đến trồng, phục hồi rừng ngập mặn ven biển.
Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh hỗ trợ triển khai 20 dự án với kinh phí 3.700 tỉ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ giao vốn trung hạn. Ngoài ra, hàng loạt hoạt động xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển, xử lý sụt lún cũng được triển khai với 36 dự án được ưu tiên với tổng số vốn 2.500 tỉ đồng.
Công tác quy hoạch, sử dụng đất của ĐBSCL cũng được chuyển theo hướng hạn chế xây dựng các điểm dân cư tập trung tại các vùng sát kênh rạch, có nguy cơ sạt lở cao. Về lâu dài, việc chỉnh trị sông sẽ tập trung xử lý các khu vực sạt lở nguy hiểm kết hợp bố trí lại cư dân vùng ven sông, ven biển.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị các cơ quan truyền thông tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ, Bộ TN&MT trong các hoạt động nhằm giảm nhẹ tác động của BĐKH, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Uy hiếp tính mạng, tài sản nhân dân Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, từ năm 2010 tới nay, tình trạng sạt lở tại ĐBSCL diễn biến ngày càng phức tạp, nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản của nhân dân. Trung bình mỗi năm xói lở đã làm mất khoảng 300 ha đất, rừng ngập mặn ven biển. Hiện toàn ĐBSCL có 564 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 834 km. Trong đó, sạt lở bờ sông 512 điểm với tổng chiều dài khoảng 566 km (chủ yếu diễn ra dọc theo các sông Tiền, Hậu, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây…) và sạt lở bờ biển 52 điểm với tổng chiều dài 268 km. Tương tự, tình trạng xâm nhập mặn có xu hướng xuất hiện sớm hơn, sâu hơn so với trước đây, thường xuyên ở mức 50-60 km. Điển hình năm 2016 nước mặn vào sâu kỷ lục 90 km, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp của vùng. |