Sau 12 năm, tổng thống Hàn Quốc có chuyến thăm lịch sử đến Nhật

(PLO)- Qua chuyến thăm lịch sử của tổng thống Hàn Quốc đến Nhật sau 12 năm, hai nước đã nối lại hợp tác trên hàng loạt lĩnh vực kinh tế, chính trị và quân sự.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm 16-3, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol bắt đầu chuyến thăm hai ngày tới Nhật và có cuộc gặp thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Fumio Kishida. Theo hãng thông tấn Yonhap, đây là chuyến công du Nhật đầu tiên của Tổng thống Yoon từ khi ông lên nắm quyền và là chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Hàn Quốc đến Nhật kể từ chuyến đi năm 2011 của Tổng thống Lee Myung-bak. Sự kiện được đánh giá là dấu hiệu cho thấy nỗ lực nghiêm túc của giới chức hai nước nhằm bình thường hóa quan hệ song phương.

Giải quyết tranh chấp kinh tế, siết chặt ngoại giao

Theo tuyên bố của lãnh đạo hai bên sau cuộc gặp thượng đỉnh, cả ông Yoon và ông Kishida đều cùng mục tiêu gây dựng sự khởi đầu mới cho mối quan hệ hai nước, vừa cùng nhau khắc phục dứt điểm mọi khúc mắc liên quan quá khứ lịch sử vừa thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết phía Mỹ “rất hoan nghênh” cuộc gặp thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo Nhật và Hàn Quốc. Đây là minh chứng rõ nét về những nỗ lực của các đồng minh chủ chốt của Mỹ trong việc thúc đẩy quan hệ song phương. Mỹ hiện có mối quan hệ ba bên đặc biệt quan trọng, giúp ứng phó hiệu quả hơn với các thách thức chính trong khu vực và trên thế giới.

Cả hai lãnh đạo đều bày tỏ ý muốn làm nồng ấm và sôi động quan hệ hợp tác song phương, hạ quyết tâm tạo bước chuyển mang tính đột phá, dù ý thức được rằng việc khắc phục dứt điểm, ổn thỏa và lâu bền mọi di sản quá khứ - lịch sử không phải là chuyện đơn giản.

Hai lãnh đạo cũng khẳng định có giải pháp cho loạt các vấn đề kinh tế giữa hai nước, chẳng hạn như việc Nhật hạn chế xuất khẩu đối với Hàn Quốc và đơn khiếu nại của Seoul với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về lệnh kiểm soát xuất khẩu của Tokyo. Theo đó, hai nước cùng nhau đồng ý bãi bỏ tranh chấp thương mại nay đã kéo dài bốn năm. Nhật sẽ gỡ bỏ ngăn cấm xuất khẩu các nguyên liệu bao gồm polyimide, hydrogen fluoride và photoresist sang Hàn Quốc. Đổi lại, Hàn Quốc sẽ rút đơn kiện Nhật ở WTO.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Hirokazu Matsuno khẳng định Tokyo mong muốn tăng cường quan hệ chiến lược với Seoul và hy vọng quan hệ song phương phát triển trên cơ sở hữu nghị và hợp tác chung.

“Trong tình hình chiến lược hiện nay, bao gồm cả việc bảo đảm an ninh, chúng tôi mong muốn tăng cường quan hệ chiến lược giữa Nhật và Hàn Quốc, cũng như Nhật - Hàn Quốc - Mỹ. Chúng tôi sẽ hợp tác với Hàn Quốc để hiện thực hóa mục tiêu khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” - ông Matsuno nói, theo tờ The Korea Herald. Ông Hirokazu cũng bày tỏ hy vọng quan hệ song phương Nhật và Hàn Quốc sẽ tiến xa hơn trong thời gian tới.

Thủ tướng Nhật Fumio Kishida (phải) tiếp đón Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (trái) ở Tokyo ngày 16-3. Ảnh: AFP

Thủ tướng Nhật Fumio Kishida (phải) tiếp đón Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (trái) ở Tokyo ngày 16-3. Ảnh: AFP

Tái khởi động GSOMIA cùng đối phó Triều Tiên

Một trong những bước tiến đạt được trong chuyến thăm của ông Yoon là Nhật và Hàn Quốc đã đồng ý “bình thường hóa” hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo quân sự (GSOMIA) nhằm tăng cường hợp tác quân sự hai bên.

“Thông qua quá trình này, hai nước sẽ có thể chia sẻ thông tin về tên lửa của Triều Tiên và cùng nhau ứng phó với các vụ phóng tên lửa” - ông Yoon nói trong cuộc họp báo chung với ông Kishida.

Seoul và Tokyo ký hiệp ước chia sẻ thông tin quân sự GSOMIA vào tháng 11-2016. Tuy nhiên, các mâu thuẫn về lịch sử và thương mại khiến hiệp ước này không được hai nước tận dụng triệt để.

GSOMIA tự động gia hạn hằng năm trừ khi một trong hai bên thông báo ý định chấm dứt thỏa thuận trước 90 ngày trước khi kết thúc thời hạn một năm. Năm 2019, chính quyền Hàn Quốc đã tính đến chuyện rút khỏi GSOMIA nhưng đã quay lại sau khuyến nghị của Mỹ.

Việc bình thường hóa GSOMIA được chính quyền hai bên xem là một phần thiết yếu trong việc tăng cường hợp tác an ninh song phương cũng như hợp tác an ninh ba bên với Mỹ để giải quyết tốt hơn các mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Triều Tiên.

Ông Yoon và ông Kishida cũng đồng ý nối lại đối thoại an ninh cấp độ làm việc song phương đã bị đình chỉ kể từ tháng 3-2018.

Có thông tin Thủ tướng Kishida đang cân nhắc mời Tổng thống Yoon dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở TP Hiroshima vào tháng 5 tới, cũng như cân nhắc khả năng sang thăm Hàn Quốc.•

Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa

Trước khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol sang Nhật, hôm 15-3, Triều Tiên bất ngờ phóng một tên lửa đạn đạo tầm xa về phía vùng biển của Nhật, theo đài CNN.

Bộ Quốc phòng Nhật cho rằng tên lửa mới phóng của Triều Tiên nhiều khả năng là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), bay cao hơn 6.000 km trong khoảng 70 phút. Tên lửa rơi bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật, cách đảo Oshima ở Hokkaido, miền Bắc Nhật 200 km về phía tây.

Vụ phóng mới nhất của Triều Tiên cũng diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc và Mỹ đang tiến hành cuộc tập trận chung Freedom Shield 23 (Lá chắn tự do 23) kéo dài 11 ngày. Đây là cuộc tập trận có quy mô lớn nhất trong năm năm qua giữa hai nước kể từ cuộc huấn luyện thực địa Foal Eagle (Đại bàng non) năm 2018.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm