Sau 20 năm bị ngã mới biết mình bị đứt dây chằng khớp gối

(PLO)- Chân trái sưng đau, teo nhỏ dần, đi lại khó khăn sau một lần bị ngã, nhưng không đi khám, gần 20 năm sau, người phụ nữ mới biết mình bị đứt dây chằng khớp gối.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết vừa tiếp nhận một nữ bệnh nhân 42 tuổi, ngụ ở Sơn La, nhập viện trong tình trạng chân trái không nhấc lên được, đi lại khó khăn.

Theo lời kể của bệnh nhân, cách đây gần 20 năm, trong một lần bị ngã, đầu gối chân trái của chị rất đau, sưng nề, khó đi lại. Chân bị đau cứ thế teo nhỏ dần dẫn đến đi lại tập tễnh...

Gần đây, khi đang đi làm thì chị khuỵu xuống, không thể tự đứng lên. Chân trái không còn trụ vững được nữa, chị mới đến cơ sở y tế ở địa phương để kiểm tra. Lúc đấy mới biết mình bị đứt dây chằng khớp gối, chỉ định phải phẫu thuật.

Sau gần 20 năm, người phụ nữ được phẫu thuật tái tạo dây chằng khớp gối. Ảnh: BVCC

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân tiếp tục được hội chẩn, kết luận đứt dây chằng khớp gối trái, và lên phương án phẫu thuật tái tạo dây chằng.

Theo bác sĩ Vũ Giang An, Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình và thần kinh cột sống, các trường hợp bị chấn thương đã quá lâu mà không phẫu thuật sớm như trường hợp đứt dây chằng khớp gối trái thế này để lại nhiều di chứng. Không chỉ dây chằng mà thành phần khác trong khớp và cả chân trái bị tổn thương, suy giảm chức năng.

Tổn thương khớp gối là tổn thương hay gặp nhất trong chấn thương. Từ năm 2023 đến nay, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân bị chấn thương cần phẫu thuật nội soi khớp gối. Trong đó, 80% là do chấn thương gây đứt dây chằng và tổn thương sụn chêm.

Vì vậy, bác sĩ An lưu ý nếu thấy hiện tượng bất thường, bệnh nhân nên chủ động khám, được chẩn đoán và nếu có chỉ định phẫu thuật thì nên tuân thủ. Như thế, sau một đến ba tháng là có khả năng phục hồi chức năng, không để lại di chứng đối với các thành phần khác của khớp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới