Rối loạn lo âu, trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần rất phổ biến hiện nay. Đây là một dạng bệnh hỗn hợp với những triệu chứng như mệt mỏi, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều, không thể tập trung, lo lắng quá mức, dễ xúc động, cảm thấy tuyệt vọng và không muốn sống nữa...
Theo số liệu mới nhất của bệnh viện Tâm thần Trung ương, có gần 15 triệu người Việt Nam gặp phải các vấn đề tâm thần, trong đó phổ biến nhất là rối loạn lo âu, trầm cảm.
Người nổi tiếng dễ bị rối loạn lo âu, trầm cảm hơn?
Dễ thấy nhất ở Hàn Quốc, đã có rất nhiều trường hợp nghệ sĩ đã tự kết liễu đời mình vì không thể chịu đựng được nỗi đau do căn bệnh này gây ra.
Tại Việt Nam cũng không ít các nghệ sĩ gặp phải hội chứng rối loạn lo âu, trầm cảm. Đơn cử như trong chương trình "Chị đẹp đạp gió rẽ sóng 2023", ca sĩ Khổng Tú Quỳnh tâm sự bản thân cô từng phải trải qua khoảng thời gian mắc chứng rối loạn lo âu, trầm cảm
Ca sĩ này chia sẻ: "Em rất sợ cảm giác mọi người thấy mình yếu đuối, mọi người thương hại mình. Em từng nghĩ đến việc mình bị đưa đi nhà thương điên. Rồi em sợ tên mình bị đưa lên trên báo. Em cứ luôn tỏ ra mình vui vẻ và ổn nhưng bên trong thật sự em không ổn chút nào..."
Tương tự trong buổi họp báo ra mắt dự án phim điện ảnh Lật mặt 7 của đạo diễn Lý Hải, diễn viên Trương Minh Cường cũng chia sẻ bản thân suýt chết vì bệnh trầm cảm, anh tâm sự: "Tình trạng của tôi nặng đến mức bác sĩ gọi hai tiếng tôi không bắt máy, xe cứu thương sẽ tới nhà tôi. Bác sĩ nói tôi sẽ chết bất cứ lúc nào".
Chia sẻ với PLO, nhạc sĩ Châu Đăng Khoa khẳng định trước khi bị rối loạn lo âu, anh không tin vào cái gọi là trầm cảm. Đến khi bản thân mất sáu tháng trời chỉ nằm yên một chỗ trên giường, nhìn lên trên trần nhà và chiến đấu với cảm giác mệt mỏi và tuyệt vọng bên trong mình, anh mới nhận thức rõ căn bệnh này nguy hiểm đến chừng nào.
Theo nhạc sĩ này, người làm nghệ thuật hay người nổi tiếng đối mặt với vấn đề lo âu trầm cảm khó khăn hơn rất nhiều. Vì có những khía cạnh nếu chia sẻ ra rất dễ bị phán xét. Chính vì nỗi sợ bị phán xét đã khiến họ tự cô lập mình với mọi người xung quanh.
"Người ngoài nhìn vào sẽ không cảm được hết tất cả những điều bạn phải chịu đựng. Những áp lực đó vô hình, chỉ có người trong cuộc mới cảm nhận được sự hiện hữu của nó. Cho nên tôi cũng từng che giấu vấn đề của bản thân. Và suốt thời đó gần như "biến mất", không liên lạc hay kết nối với ai cả" - Châu Đăng Khoa tỏ lòng.
Càng trì hoãn càng khó điều trị
Cùng góc nhìn với người trong cuộc, bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, thành viên của Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ, cho biết cuộc sống càng áp lực, càng ít được chia sẻ, khả năng cao sẽ gặp nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần hơn. Và những người nổi tiếng, người của công chúng thường nằm trong nhóm nguy cơ này.
"Họ làm việc với khối lượng lớn và cường độ cao, liên tục... nhưng lại bị giới hạn về sự riêng tư không thể đến những nơi công cộng để đi chơi cùng với người thương, đi đâu cũng sẽ bị soi mói dòm ngó rồi bị đăng lên trên báo nên họ cảm thấy rất khó khăn trong việc chia sẻ. Đối với áp lực đó thì sức khỏe tinh thần sẽ đi xuống cũng là điều dễ hiểu" - bác sĩ Nghĩa nhìn nhận.
Để giải quyết vấn đề này, theo bác sĩ Nghĩa, khi phát hiện các triệu chứng của rối loạn lo âu trầm cảm, người bệnh cần đến gặp chuyên viên tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần càng sớm càng tốt, bởi nếu trì hoãn sẽ rất khó cho việc điều trị. Bởi vì trầm cảm không giết chúng ta nhưng nó khiến chúng ta tự giết mình.
"Đối với trầm cảm nhẹ, các phương pháp được chứng minh có hiệu quả là thể dục, yoga, thiền...
Các cơ chế tiềm ẩn để giải thích lợi ích của hoạt động thể chất đối với chứng trầm cảm bao gồm các yếu tố sinh học (ví dụ: tăng lượng thể chất dẫn truyền thần kinh, endorphin hoặc các yếu tố dinh dưỡng thần kinh như BDNF; giảm nồng độ cortisol; thay đổi chuyển hóa kynurenine...)
Yoga và thiền có khả năng làm tăng lượng dopamine và axit gamma - trục hạ đồi - tuyến yên, điều hòa nhịp tim, giảm huyết áp...
Tuy nhiên, đối với trầm cảm từ mức độ trung bình trở lên, các phác đồ y khoa khuyến cáo cần trị liệu chuyên sâu từ hóa dược và tâm lý trị liệu."
1 trong 10 nguyên nhân gây ra gánh nặng bệnh tật toàn cầu
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trầm cảm nằm trong số 10 nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật trên toàn cầu trong hơn một thập niên qua. Và cũng là một trong năm căn bệnh được WHO cảnh báo gây cản trở sự phát triển kinh tế tại khu vực Châu Á.
Ước tính tỷ lệ người bị rối loạn tâm thần, trầm cảm tăng khoảng 25% so với trước khi có đại dịch Covid-19.
Tại Việt Nam, số người bị trầm cảm đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là trong giới trẻ.