Trầm cảm là gì?
Trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến nhất trên thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê cứ 20 người bình thường có một người từng rơi vào giai đoạn trầm cảm. Phụ nữ có tỷ lệ mắc chứng trầm cảm cao gấp đôi nam giới.
Bệnh trầm cảm thường được chẩn đoán cùng với các tình trạng rối loạn tâm thần khác. Khi bệnh trầm cảm phát triển tới mức độ nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Cạnh đó, khiến người bệnh làm việc kém năng suất, học hành trì trệ, mối quan hệ trong gia đình ảnh hưởng tiêu cực.
Các triệu chứng nổi bật nhất của chứng trầm cảm nặng là tâm trạng tồi tệ, buồn sâu sắc, tuyệt vọng kéo dài.
Ở giai đoạn trầm cảm nặng thường biểu hiện trầm cảm rõ các triệu chứng đặc trưng nhất. Người bệnh rơi vào vòng suy nghĩ chán nản, mất hứng thú với các hoạt động hàng ngày, kèm theo các vấn đề về ăn, ngủ, năng lượng, sự tập trung và cách nhìn nhận giá trị bản thân. Người bị trầm cảm sẽ có các dấu hiệu trên kéo dài trong 2 tuần hoặc lâu hơn.
Những người có tâm trạng tiêu cực, chán nản hay buồn trong một khoảng thời gian ngắn như vài giờ, 1 đến 2 ngày không phải là bệnh trầm cảm. Tuy nhiên điều này có thể trở thành mầm mống dẫn đến bệnh trầm cảm.
Các sự việc như mất mát hay thay đổi đột ngột có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng trầm cảm. Các giai đoạn trầm cảm có thể được kích hoạt bởi nhiều yếu tố bao gồm: sự ra đi của người thân, đổ vỡ trong tình cảm, hôn nhân, thất nghiệp, căng thẳng tài chính, bị bệnh kéo dài, thay đổi môi trường sống…
Trầm cảm ảnh hưởng đến sức khỏe bằng cách thay đổi mức độ hoạt động cũng như thay đổi hành vi trong sinh hoạt thường ngày. Trầm cảm thường ảnh hưởng nhiều đến chất lượng giấc ngủ, thèm ăn hoặc chán ăn hơn, sự tập trung, tâm trạng, mức năng lượng, sức khỏe thế chất và đời sống xã hội.
Thông thường những người đang bị trầm cảm cảm thấy khó khăn khi thức dậy, ít động lực, năng lượng, hay cáu kỉnh và buồn. Những điều này xảy ra thường xuyên khiến chất lượng sống của người bệnh bị giảm rất nhiều.
9 dấu hiệu trầm cảm nguy hiểm cần được cảnh báo
Dưới đây là 9 dấu hiệu trầm cảm điển hình của bệnh cần được cảnh báo và điều trị sớm.
- Tâm trạng chán nản thường xuyên, gần như mỗi ngày.
- Giảm quan tâm hay niềm vui với tất cả hoạt động, hay sở thích.
- Chán ăn, sụt cân hoặc thèm ăn, tăng cân.
- Mất ngủ thường xuyên.
- Kích động hoặc thao tác chậm, phản ứng chậm, nói chậm hơn bình thường.
- Thường xuyên mệt mỏi và mất năng lượng.
- Có cảm giác bất lực, tội lỗi quá mức, tự thấy bản thân kém cỏi.
- Suy giảm khả năng tập trung, do dự, khó quyết định mọi thứ.
- Thường xuyên có ý nghĩ về cái chết, thường xuyên có ý định tự tử.
Nguyên nhân gây trầm cảm
Không có nguyên nhân duy nhất gây bệnh trầm cảm. Một số người đối mặt với những căng thẳng trong cuộc sống như mất người thân, ly hôn, bệnh tật, mất việc làm, khủng hoảng tài chính… Những nguyên nhân thường gặp gây bệnh trầm cảm là:
Căng thẳng: khi đối diện với các sự kiện buồn, căng thẳng như mất người thân, đổ vỡ mối quan hệ yêu đương, vợ chồng. Khi gặp những tổn thương mất mát, nhiều người trở nên buồn bã, không còn hứng thú gặp gỡ bạn bè, người thân và cố gắng tự giải quyết vấn đề của mình. Tình trạng căng thẳng kéo dài, nếu tâm trạng không được cải thiện rất dễ rơi vào trầm cảm.
Nhân cách: tính cách tác động rất nhiều đến suy nghĩ. Với một số người khi đứng trước các sự việc căng thẳng có thể không bị trầm cảm nhưng một số người khó thoát ra được suy nghĩ buồn bã và tiêu cực.
Người dễ trầm cảm thường quá khắt khe với bản thân, mong muốn những gì hoàn hảo nhất. Điều này có thể do gen thừa hưởng từ cha mẹ hoặc ảnh hưởng từ nhỏ.
Lịch sử gia đình: nếu ai đó trong gia đình từng bị trầm cảm, nhiều khả năng bạn cũng mắc bệnh này.
Sinh con: một số phụ nữ dễ trầm cảm sau sinh. Những thay đổi về nội tiết tố và thể chất, cơ thể, cũng như gia tăng trách nhiệm, có thể dẫn đến chứng trầm cảm sau sinh.
Sự cô đơn: cảm giác cô đơn ở một số người bị cắt đứt mối quan hệ khỏi gia đình, bạn bè làm gia tăng nguy cơ trầm cảm.
Rượu và ma túy: trong những sự kiện buồn, nhiều người cố gắng đối phó bằng cách uống quá nhiều rượu hoặc dùng ma túy. Điều này có thể dẫn đến vòng xoáy trầm cảm. Sử dụng ma túy, rượu, chất kích thích ảnh hướng đến chất hóa học của não, làm tăng nguy cơ trầm cảm.
Bệnh tật: những người bị bệnh mạn tính, bệnh phải điều trị trong thời gian dài, tái phát nhiều là đối tượng dễ trầm cảm. Một số người bị bệnh nội tiết khiến cơ thể mệt mỏi, giảm ham muốn tình dục từ đó dẫn đến trầm cảm.