Liệu pháp dinh dưỡng cho người ung thư trực tràng nên được bắt đầu áp dụng từ khi phát hiện bệnh ung thư và duy trì liên tục xuyên suốt quá trình điều trị.
Ung thư trực tràng nên ăn gì?
Thực đơn nên đa dạng và đủ các nhóm thực phẩm thiết yếu.
Tinh bột có trong ngũ cốc như: Gạo, lúa mì, bột yến mạch, khoai, sắn dây… rất tốt cho bệnh nhân ung thư trực tràng. Bệnh nhân có thể ăn ngũ cốc kết hợp yaourt, sữa… cho dễ nuốt.
Chất đạm: Trong chế độ ăn uống của bệnh nhân nên dùng phối hợp các thực phẩm chứa đạm với nguồn gốc từ đạm động vật và/hoặc đạm thực vật (yến mạch, hạnh nhân, cá ngừ, trứng). Trong đó, trứng rất giàu protein, cung cấp các dưỡng chất thiết yếu để phục hồi sức khỏe cho bệnh nhân ung thư.
Các loại rau quả và trái cây: Nên bổ sung các loại trái cây và rau quả vào trong chế độ ăn của bệnh nhân. Hàm lượng lớn các chất chống oxy hóa có trong rau củ và trái cây giúp cung cấp vitamin, các khoáng chất cần thiết, giảm các triệu chứng của bệnh ung thư.
Các loại sữa và sản phẩm từ sữa: Các loại thực phẩm này đa phần đều có mùi vị khá thơm ngon, mềm mịn, giúp kích thích vị giác và hỗ trợ tiêu hóa. Trong sữa có hàm lượng dinh dưỡng cao, bao gồm: protein, vitamin A, canxi, vitamin B2, vitamin B12, vitamin D, kali, phospho và magie có khả năng tăng cường hệ miễn dịch.
Bổ sung chất béo lành mạnh (chất béo không bão hòa): Nên dùng các loại dầu oliu, dầu đậu nành… thay thế cho mỡ động vật (chất béo bão hòa).
Vitamin và khoáng chất: Trong chế độ ăn của bệnh nhân ung thư trực tràng nên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin A, B, C, E có đặc tính chống oxy hóa tốt như: cà rốt, đậu bắp, bưởi, rau ngót, bí đỏ, rau khoai, ớt chuông, rau muống, mồng tơi, cam…
Nhóm thực phẩm nên kiêng
Đồ nướng, chiên xào rán, thịt xông khói, đồ đông lạnh, đóng hộp… là nhóm thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, đặc biệt là chất béo động vật, sẽ khiến dạ dày của bệnh nhân khó tiêu hóa. Từ đó cản trở quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể.
Hạn chế thực phẩm có nhiều đường, đặc biệt không nên uống các loại thức uống có gas, chứa nhiều caffein, bia rượu, thuốc lá…
Với trường hợp bị dị ứng sữa, bệnh nhân không nên uống sữa hoặc chế phẩm từ sữa để tránh gặp buồn nôn và tiêu chảy.
Với những bệnh nhân vừa mới phẫu thuật ung thư trực tràng, người thân cần lưu ý không cho bệnh nhân sử dụng những thực phẩm sinh hơi nhiều hoặc có khả năng dễ gây nhiễm khuẩn. Ví dụ như: đậu, thức ăn cay, nóng, đồ ăn lên men, bông cải, tiêu, rau sống…
Nếu bệnh nhân không thể ăn uống bình thường hoặc có rối loạn chức năng tiêu hóa, các bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp nuôi ăn bằng đường tĩnh mạch để cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho bệnh nhân, giúp nhanh phục hồi sức khỏe trong quá trình điều trị.