Thông qua trực tuyến và mở đầu buổi làm việc với Đoàn Giám sát của Ban Đô thị thuộc HĐND TP.HCM, bà Huỳnh Thị Lan Phương, Phó Tổng Giám đốc VWS cho biết công ty tiếp tục bảo lưu những kiến nghị cũ và mong muốn được thành phố sớm quan tâm. Cụ thể, bà Lan Phương cho rằng, đã hơn 15 năm trôi qua nhưng thành phố vẫn chưa thực hiện vành đai cây xanh cách ly 322 ha như đã cam kết theo hợp đồng. Chính vì không thực hiện điều này, nên VWS đã phải đầu tư thêm rất nhiều chi phí ngoài dự kiến vào việc mua sắm thêm trang thiết bị, hóa chất để thực hiện công tác kiểm soát mùi trực tiếp bằng các biện pháp như che phủ kín bãi chôn lấp, phun chế phẩm khử mùi… Tuy nhiên, hiệu quả của phương pháp này lại bị giới hạn khi thời tiết có mưa to, giông bão.
“Tôi còn nhớ rất rõ, ngày 29-5-2019, Đoàn công tác của HĐND TP.HCM cùng các sở ngành chức năng đã đến kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án vành đai cây xanh cách ly. Tại buổi làm việc này, chúng tôi biết rằng dự án vành đai cây xanh cách lý sẽ không thực hiện được do thiếu kinh phí đền bù và quỹ đất tái định cư. Vốn dự kiến ban đầu của dự án là 1.080 tỷ đồng và bây giờ tổng vốn đã tăng lên thành 2.200 tỷ đồng”, bà Lan Phương buồn bã nói.
Ban Đô thị HĐND TP.HCM lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp |
Về việc di dời các hộ dân thuộc dự án vành đai cây xanh cách ly đang sinh sống kế bên Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, VWS cũng đã gửi rất nhiều văn bản đề nghị thành phố hỗ trợ, ưu tiên cử cán bộ chức năng đến động viên, di dời gấp các hộ dân trên để đảm bảo an toàn sức khỏe và ổn định cuộc sống cho họ; đồng thời không làm ảnh hưởng đến công tác xây dựng, vận hành tại khu liên hợp. Tuy nhiên, đến nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết và những người dân tại các hộ này vì chưa được bồi thường, giải tỏa nên bức xúc thường xuyên tạo áp lực, gây khó khăn cho hoạt động của công ty.
Các thành viên Ban Đô thị HĐND TP.HCM tham quan trên đỉnh rác trong Khu Liên hợp Xử lý Chất thải Đa Phước |
Các thành viên Ban Đô thị HĐND TP.HCM tham quan khu xử lý nước rỉ rác trong Khu Liên hợp Xử lý Chất thải Đa Phước |
Đoạn đường QL50, từ đại lộ Nguyễn Văn Linh dẫn vào Khu xử lý rác Đa Phước vẫn chưa mở rộng dù đã có quy hoạch từ lâu. Hàng ngày, ngoài mật độ xe cộ lưu thông trên đường còn có hơn 500 xe vận chuyển rác đi trên con đường này, gây kẹt xe, ách tắc trầm trọng QL50, đặc biệt là vào những ngày lễ, tết. Cũng đoạn đường này, từ năm 2017 đến nay không được phun xịt, rửa đường trong khi ở đây mỗi ngày có khoảng 500 xe chở rác vào ra liên tục, làm rơi vãi nước rỉ rác xuống đường, bốc mùi hôi thối gây khó chịu cho người đi đường và các hộ dân sống gần đó, đặc biệt là vào lúc thời tiết nắng nóng. Việc này cũng đã được VWS báo cáo rất nhiều lần với các cấp có thẩm quyền bao nhiêu năm qua, với nhiều lãnh đạo của các nhiệm kỳ trước cho đến nhiệm kỳ này nhưng vẫn không thực hiện.
Lãnh đạo VWS cho hay, dây chuyền hệ thống phân loại và sản xuất phân compost đã được xây dựng hoàn tất cuối năm 2010. Tuy nhiên, đến nay việc phân loại tái chế và chế biến phân compost cũng chưa được vận hành như kế hoạch. Nguyên nhân chính là vì Sở TN-MT TP.HCM đã không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng đã ký với VWS rằng sẽ giao rác đã được phân loại tại nguồn và rác hữu cơ xanh đến cho VWS xử lý. Hiện tại, nhà máy phân loại tái chế đang bị “trùm mền”, làm chi phí bảo trì bảo dưỡng cho hệ thống máy móc và nhà xưởng tăng cao hơn rất nhiều so với dự tính ban đầu. Bên cạnh đó, lượng chất thải hữu cơ đưa về cho xưởng chế biến phân compost có chất lượng không ổn định, lẫn quá nhiều tạp chất, đặc biệt là túi nylon làm cho công tác phân loại và sàng lọc phải tăng lên rất nhiều lần, đòi hỏi phải nhập thêm nhiều thiết bị như dây chuyền phân loại đầu vào, máy thổi nylon... và sử dụng nhiều nhân công hơn so với dự tính ban đầu mà vẫn chưa đảm bảo sự ổn định cho chất lượng sản phẩm cuối cùng.
Liên quan đến thông tin các xe vận chuyển rác từ tỉnh Long An vào thành phố, bà Phương nhấn mạnh: “Chúng tôi khẳng định việc này VWS không liên quan và yêu cầu có sự kiểm tra, kiểm soát của các đơn vị có thẩm quyền cũng như cảnh sát môi trường. Về phía công ty, các xe vận chuyển rác từ tỉnh Long An khi vào Khu liên hợp đều được kiểm tra tên tài xế và biển số xe vận chuyển đã được thông báo bởi Công ty Môi trường Đô thị. Nếu đúng rác thải sinh hoạt chúng tôi sẽ tiếp nhận, còn nếu không đúng chúng tôi sẽ lập biên bản xử lý và yêu cầu chở về”.
Ban Đô thị HĐND TP.HCM chụp hình lưu niệm sau buổi giám sát |
VWS cũng mong muốn Chính phủ có ưu đãi như nhau đối với đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, xem VWS là doanh nghiệp FDI. Ngoài ra, trong Khu Liên hợp Xử lý Chất thải Đa Phước và Nghĩa trang Đa Phước, hiện còn còn có nhiều công ty đang hoạt động trong lĩnh vực xử lý bùn, phân hầm cầu… Những đơn vị này hoạt động đã làm phát sinh mùi hôi và ô nhiễm, gây ảnh hưởng không nhỏ tới dân cư và môi trường xung quanh.
Từ Mỹ, ông David Dương, Tổng Giám đốc VWS cho biết, công ty luôn làm hết khả năng để xử lý rác, bảo vệ môi trường tốt nhất. “Chúng tôi theo dõi thường xuyên việc kiểm tra, kiểm soát công tác xử lý rác; đầu tư máy móc, trang thiết bị công nghệ hiện đại… làm theo những điều khoản đã ký kết trong hợp đồng, đồng thời kiểm soát các trường hợp phát sinh để bảo đảm môi trường tốt nhất cho người dân”.
Dự án Khu liên hợp Xử lý Chất thải Đa Phước được xây dựng và chính thức đi vào hoạt động tiếp nhận, xử lý rác cho TP.HCM từ ngày 1-11-2007. Đây là dự án được hình thành và phát triển theo chủ trương xã hội hóa của Việt Nam.
Ông David Dương, Tổng Giám đốc Công ty California Waste Solutions (CWS), Việt kiều Mỹ, đã về nước đầu tư dự án này theo lời kêu gọi Việt kiều về nước đầu tư, tham gia xây dựng đất nước của Chính phủ Việt Nam và theo lời mời của ông Mai Quốc Bình (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM từ năm 2003).
Năm 2007, ngay khi chính thức đi vào vận hành, tiếp nhận rác cho TP.HCM, VWS trở thành công ty tư nhân đầu tiên tham gia xã hội hóa trong lĩnh vực xử lý môi trường. Hiện tại, dự án đang hoạt động, tiếp nhận xử lý hơn 5.000 tấn rác/ngày cho thành phố. Thời gian thực hiện dự án là 50 năm.