Sau 40 năm, bản 'Hiến pháp của đại dương' vẫn vẹn nguyên giá trị

(PLO)- Được ví như bản Hiến pháp của đại dương, trải qua 40 năm, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 không chỉ có giá trị phổ quát mà còn có giá trị hướng về tương lai.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 8-12, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức hội thảo quốc tế kỷ niệm 40 năm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 với sự tham dự của 150 đại biểu đến từ các cơ quan Trung ương, các địa phương, cơ quan đại diện các nước ASEAN tại Việt Nam.

UNCLOS hình thành khuôn khổ pháp lý toàn diện

Hội thảo diễn ra với hai phiên. Tại phiên 1: “Giá trị đặc biệt của UNCLOS”, các diễn giả điểm lại và làm rõ nhiều nội dung liên quan đến lịch sử đàm phán, thông qua và những đóng góp của Việt Nam trong tiến trình này tại hội nghị Luật Biển lần thứ 3 của Liên hợp quốc; giá trị phổ quát và tầm quan trọng của UNCLOS…

Tại phiên 2: “Việt Nam thực thi UNCLOS”, các diễn giả tập trung vào việc thực thi Công ước của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực khác nhau như việc phân định biển, sử dụng và phát triển bền vững nguồn lợi biển…

Toàn cảnh phiên hội thảo. Ảnh: MINH TRÚC.

Toàn cảnh phiên hội thảo. Ảnh: MINH TRÚC.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho rằng, trải qua 40 năm phát triển, đến nay, với 168 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, UNCLOS đã thực sự trở thành văn kiện pháp lý quan trọng hàng đầu chỉ sau Hiến chương Liên hợp quốc.

Bao gồm 320 điều khoản và 9 phụ lục, với hơn 1000 quy phạm pháp luật, UNCLOS được coi là bản “Hiến pháp về biển và đại dương”.

Sự ra đời của UNCLOS đã hình thành nên một khuôn khổ pháp lý quốc tế toàn diện và đầy đủ, điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của tất cả các quốc gia, dù có biển hay không có biển, trong việc sử dụng biển, quản lý, khai thác và bảo tồn các nguồn tài nguyên biển.

UNCLOS là căn cứ pháp lý quốc tế toàn diện để xác định các vùng biển, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển và tiến hành các hoạt động trên biển. Đồng thời, UNCLOS cũng quy định cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc nhằm giải quyết hòa bình các tranh chấp nảy sinh giữa các quốc gia liên quan tới giải thích và áp dụng UNCLOS.

Hệ sinh thái UNCLOS

Trao đổi, thảo luận tại hội thảo, các đại biểu nhất trí khẳng định, qua 40 năm, Công ước Luật Biển đã không chỉ đảm đương tốt vai trò Hiến pháp, Điều ước quốc tế mẹ về biển, mà còn là một văn kiện sống, thực sự đóng góp vào việc hình thành và bảo vệ trật tự pháp lý quốc tế về biển và đại dương, duy trì hòa bình, an ninh và ổn định, hợp tác quốc tế trên biển.

Không những thế, Công ước còn quy định toàn diện về lợi ích của những nước có biển và không có biển, các nước phát triển những như đang phát triển.

Bà Lê Đức Hạnh, Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao cho rằng từ gốc ban đầu, UNCLOS đã phát triển thành một hệ sinh thái đa dạng. Cộng đồng quốc tế và Việt Nam hiện tập trung thực thi, bảo vệ những quy định về giới hạn các vùng biển do UNCLOS đặt ra.

Các diễn giả tham gia thảo luận tại hội thảo. Ảnh: MINH TRÚC
Các diễn giả tham gia thảo luận tại hội thảo. Ảnh: MINH TRÚC

Các diễn giả đều khẳng định, là quốc gia ven Biển Đông, thành viên UNCLOS, Việt Nam luôn nhận thức rõ về vai trò và tầm quan trọng của biển đối với hòa bình, an ninh và phát triển của đất nước; khẳng định tầm quan trọng của việc tôn trọng và thực thi đầy đủ, có trách nhiệm các quy định của UNCLOS, bảo vệ trật tự pháp lý trên biển, đại dương, thúc đẩy hợp tác trong bối cảnh Biển Đông còn nhiều diễn biến phức tạp; nhấn mạnh chủ trương nhất quán của Đảng, chính sách của Nhà nước Việt Nam từ trước đến nay trong vấn đề Biển Đông và thực thi UNCLOS...

Do đó, ông Vũ Đình Hiếu, Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên và môi trường đặt ra lo ngại về việc thực hiện nội dung cam kết trong UNCLOS, Việt Nam ban hành các chính sách để định hướng việc bảo vệ môi trường biển, ban hành các quy bản quy phạm pháp luật chung để phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm soát nguy cơ gây ô nhiễm biển.

Theo ông Hiếu, trong thời gian tới, cần có các giải pháp để thực hiện hiệu quả hơn các cam kết về bảo vệ môi trường biển. Cụ thể: xây dựng và hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan để thực hiện UNCLOS về bảo vệ môi trường biển cần được chú trọng.

Tăng cường nguồn lực để thực hiện công tác bảo vệ môi trường biển. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Hợp tác quốc tế trong việc thực hiện UNCLOS về bảo vệ môi trường biển cần đẩy mạnh

Thảo luận về vấn đề giải pháp để khai thác hải sản bền vững trong bối cảnh thiên nhiên khắc nghiệt, ông Phạm Ngọc Tuấn, đại diện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, trong thời gian tới, chúng ta cần phải hoàn thiện thể chế, chính sách phù hợp với công ước; Điều chỉnh, cơ cấu lại đội tàu khai thác thuỷ sản phù hợp với nguồn lợi thuỷ sản trên từng ngư trường; Hướng dẫn, tổ chức sản xuất theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động khai thác thuỷ sản; Tăng cường thực thi pháp luật trên biển và tại cảng cá, giảm căn bản tình trạng vi phạm pháp luật về khai thác thuỷ sản để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm