Ngày 11-12, Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser cho biết Berlin đang có kế hoạch thắt chặt luật sở hữu và sử dụng súng đạn. Động thái này đến sau khi Đức mới đây phá một âm mưu đảo chính bằng vũ lực do một nhóm cực hữu tiến hành nhằm tìm cách đưa một cựu thành viên hoàng gia trở thành lãnh đạo quốc gia.
Tuyên bố trên được đưa ra một tuần sau khi cảnh sát Đức mở cuộc đột kích và bắt giữ 25 người bị tình nghi dính líu đến âm mưu đảo chính gây chấn động đối với một trong những nền dân chủ ổn định nhất châu Âu, tờ South China Morning Post đưa tin.
Theo các công tố viên, nhiều người trong số những nghi phạm là thành viên phong trào cực hữu Reichsbuerger (Công dân của Đế chế), vốn không tin vào sự tồn tại của nhà nước Đức hiện đại.
|
Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser. Ảnh: DPA |
Trả lời phỏng vấn tờ Bild am Sonntag, Bộ trưởng Faeser cảnh báo rằng Reichsbuerger là mối đe dọa ngày càng lớn đối với đất nước, khi tổ chức này tuyển mộ thêm được 2.000 người, nâng tổng số thành viên lên 23.000 người chỉ trong năm qua.
"Họ không phải những người điên khùng vô hại mà là những kẻ bị tình nghi khủng bố đang bị giam giữ chờ xét xử. Chúng tôi cần tất cả cơ quan chức năng gây áp lực tối đa để loại bỏ vũ khí của họ, đó là lý do tại sao chính phủ sẽ thắt chặt hơn nữa luật kiểm soát súng đạn trong tương lai gần" - bà Faeser nhấn mạnh.
Công tố viên cho hay các nghi phạm bao gồm những cá nhân có vũ khí và biết cách sử dụng chúng. Họ đã cố gắng chiêu mộ các thành viên là binh sĩ trong quân đội trong hiện tại lẫn trước đây, đồng thời tích trữ nhiều vũ khí.
Trước các cuộc đột kích, chính quyền Berlin đã tịch thu vũ khí của hơn 1.000 thành viên Reichsbuerger. Tuy nhiên, ít nhất 500 người khác được cho là vẫn có giấy phép sử dụng súng tại một quốc gia mà việc sở hữu súng tư nhân là rất hiếm.
Việc các quan chức dân sự cấp cao, như cựu chính trị gia và thẩm phán Berlin Birgit Malsack-Winkemann, nằm trong số những người bị bắt đã đặc biệt gây chấn động nhiều người ở Đức trước âm mưu đảo chính tiềm tàng.
Bên cạnh đó, theo hãng tin Reuters, Bộ Nội vụ Đức cũng muốn thắt chặt thủ tục kỷ luật đối với các thành viên công vụ để có thể nhanh chóng sa thải hoặc rút lương hưu trong trường hợp họ có hành vi sai trái nghiêm trọng. Hiện tại các thủ tục như vậy có thể kéo dài trong nhiều năm.